Trốn đóng, không đóng BHXH cho người lao động được quy định trong Luật như thế nào?
Cơ quan Bảo hiểm xã hội Khu vực 1 công khai danh sách nợ BHXH tại thành phố Hà Nội tới ngày 31/03/2025. Nhiều đơn vị bị nêu tên, trong đó có Công ty cổ phần Hàng không Vietjet bị nêu tên do nợ đóng hơn 5,7 tỷ đồng.
Cụ thể, trong danh sách công khai của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Khu vực 1, (Số liệu tính đến hết 31/03/2025 theo C12-TS lấy ngày 10/4/2025) có 33.330 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên.
Theo đó, loạt doanh nghiệp lớn bị nêu tên như, Công ty cổ phần Anh Ngữ APAX (số tiền 61,3 tỷ đồng); Công ty cổ phần Lilama 3 (số tiền 47,4 tỷ đồng); Công ty cổ phần Cầu 12 (số tiền 30,04 tỷ đồng); Công ty cổ phần 116 – CINENCO 1 (số tiền 20,6 tỷ đồng); Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (gần 12 tỷ đồng); Công ty Giày Thượng Đình (7,3 tỷ đồng); ...
Đáng chú ý, từ danh sách công khai của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Khu vực 1, (Số liệu tính đến hết 31/03/2025 theo C12-TS lấy ngày 10/4/2025), Công ty cổ phần Hàng Không Vietjet (MST 0102325399) bị nhắc tên do chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN hơn 5.767 triệu đồng (khoảng gần 5.8 tỷ đồng), với số tháng chậm đóng là 2 tháng.
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet được thành lập từ năm 2007, trụ sở chính tại số 302/3 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không, vận tải hàng không hành khách nội địa và quốc tế. Công ty Hàng không Vietjet được niêm yết trên sàn chứng khoán với mã VJC.

Trốn đóng, không đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 35 Luật Bảo hiểm xã hội thông qua ngày 29/6/2024, Cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với đó, Luật hình sự cũng quy định về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 216 quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Tại Khoản 2 Điều 216 Luật Hình sự, có quy định mức hình phạt là bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm đối với những hành vi như sau:
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
Tại Điều 2, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:
- Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
- Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.
- Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp người sử dụng lao động:
+ Không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; hoặc,
+ Có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
- Không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp,
Nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
- 06 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.
Ví dụ: Trong thời gian từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019, Doanh nghiệp A không đóng bảo hiểm xã hội 04 tháng trong năm 2018 (gồm các tháng 5, 7, 9 và 11) và 02 tháng trong năm 2019 (tháng 01 và tháng 02) là không đóng bảo hiểm xã hội 06 tháng cộng dồn trở lên.
Tại Điều 3 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP cũng quy định về một số tình tiết định khung hình phạt
...
3. Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm a khoản 2 Điều 216 của Bộ luật Hình sự; là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm.