Toàn bộ quy trình xử phạt vi phạm hành chính thực hiện qua hệ thống điện tử
Từ ngày 1/7, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi chính thức có hiệu lực.
Nhiều điểm mới đang lưu ý tại Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2025.
Mở rộng thẩm quyền và xác định thời hiệu xử phạt
Từ ngày 1/7/2025, Luật số 88/2025/QH15 chính thức được sửa đổi, bổ sung các quy định quan trọng trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Luật số 88/2025/QH15 cập nhật, hoàn thiện các nội dung về thời hiệu xử phạt, thẩm quyền, thủ tục lập biên bản, tạm giữ người vi phạm, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm và ban hành quyết định xử phạt…
Tại khoản 1 Điều 1 Luật số 88/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật Xử lý VPHC quy định thời hiệu xử phạt VPHC liên quan tới khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là 2 năm. Trường hợp xử phạt VPHC đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được kéo dài thêm 1 năm. Trong trường hợp vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, thời hiệu xử phạt được kéo dài thêm 1 năm, tức là lên tới 3 năm. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, điều tra, xem xét vụ việc cũng được tính gộp vào thời hiệu xử phạt. Điều luật nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời giúp các cơ quan chức năng có đủ thời gian xác minh, làm rõ trách nhiệm.

Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2025 không chỉ bổ sung quy định rõ hơn về thời hiệu xử phạt mà còn mở rộng thẩm quyền xửa phạt đối với nhiều chức danh. Đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Luật này, có nhiều chức danh mới như “Thủ trưởng các tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ”; “Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh”... Theo quy định mới, Giám đốc các Sở thuộc UBND các tỉnh, thành phố sẽ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền cụ thể nằm trong các Nghị định quy định xử phạt VPHC. Đối với trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn do sự sắp xếp, đổi mới tổ chức, cơ cấu bộ máy nhà nước, thì thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Cách thức xử phạt linh hoạt
Luật số 88/2025/QH15 tháo gỡ những điểm không thống nhất giữa các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt liên quan đến vụ việc do cơ quan tố tụng chuyển giao. Quy định mới đã làm rõ: đối với các hành vi vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến, không cần lập biên bản vi phạm hành chính, mà có thể tiến hành xử phạt trực tiếp theo thẩm quyền. Điều này giúp thống nhất cách xử lý vi phạm trên toàn quốc, tránh chồng chéo giữa các cấp ban ngành và rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc.
Áp dụng chuyển đổi số trong công tác xử lý vi phạm hành chính
Luật số 88/2025/QH15 đã bổ sung quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính thông qua môi trường điện tử, góp phần cụ thể hóa chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước. Nội dung này tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn cho việc triển khai các hoạt động như lập biên bản điện tử, ký số quyết định xử phạt, gửi nhận thông báo qua hệ thống điện tử, kết nối và chia sẻ dữ liệu xử lý vi phạm hành chính giữa các cơ quan. Tuy nhiên, nhằm triển khai hiệu quả, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp, bảo đảm an toàn dữ liệu, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật liên quan đến bảo mật và quản lý thông tin.
Mở rộng lý do tạm giữ và bổ sung các trường hợp không niêm phong tang vật tạm giữ
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật sửa đổi năm 2025 là bổ sung quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính nhằm phục vụ cho quá trình xác minh, làm rõ vi phạm. Đây được xem là một sự điều chỉnh cấp thiết, khi cơ quan chức năng buộc phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm để có đủ cơ sở xác định hành vi vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời, quy định về thẩm quyền lập biên bản tạm giữ cũng được điều chỉnh linh hoạt, không giới hạn ở “người có thẩm quyền lập biên bản VPHC” mà sửa đổi thành “người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc”. Sự thay đổi này phản ánh đúng thực tiễn trong quá trình thi hành công vụ, đối với nhiều trường hợp ban đầu chưa thể xác định ngay hành vi vi phạm cụ thể, dẫn đến chưa đủ căn cứ để xác định người lập biên bản VPHC theo quy định cũ.
Tại điều luật sổ sung: hàng siêu trường, siêu trọng, hàng hóa khác không thể niêm phong theo quy định của pháp luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2025 được đánh giá là bước tiến đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Với nhiều điểm mới nổi bật, luật mở ra khung pháp lý hiện đại, minh bạch và sát thực tiễn hơn. Theo đó, thẩm quyền xử phạt được mở rộng, cho phép xử phạt trong một số trường hợp không cần lập biên bản, đồng thời tăng mức phạt tối đa đối với các vi phạm không lập biên bản nhằm đảm bảo tính răn đe. Đặc biệt, luật cũng đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi số trong xử lý vi phạm hành chính, cho phép thực hiện các thủ tục như lập biên bản, ký số, gửi thông báo và chia sẻ dữ liệu hoàn toàn trên môi trường điện tử. Những điều chỉnh này không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý.