Thứ năm, 01/05/2025 23:06 (GMT+7)

Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo cải cách thể chế, pháp luật

Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, với hai Phó ban là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ban gồm 23 ủy viên, trong đó có 7 Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo quyết định của Bộ Chính trị ngày 30/4, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật có 23 thành viên. Trong đó, 7 Ủy viên Bộ Chính trị gồm Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.

tm-img-alt

Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, sáng 29/3/2025. Ảnh: Nguyễn Đông

Các thành viên khác của Ban Chỉ đạo bao gồm Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang, hai Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn và Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú.

Cùng ngày, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại mới.

Theo Nghị quyết, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có hệ thống pháp luật dân chủ, minh bạch, công bằng, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2030 là Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2025, hệ thống pháp luật sẽ cơ bản giải quyết được các điểm nghẽn. Hai năm sau đó, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho mô hình chính quyền ba cấp (Trung ương, tỉnh, xã) sẽ được hoàn thành. Đến năm 2028, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh sẽ hoàn thiện, đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ có hệ thống pháp luật đạt chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thực tiễn, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp và pháp luật sẽ trở thành chuẩn mực ứng xử trong xã hội, tạo nền tảng cho quản trị quốc gia hiện đại, bộ máy tinh gọn và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển với thu nhập cao.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành pháp luật, lan tỏa tinh thần tuân thủ Hiến pháp. Các cơ quan trung ương và địa phương phải có lãnh đạo am hiểu pháp luật, trong đó giám đốc Sở Tư pháp sẽ tham gia cấp ủy tỉnh. Bộ Tư pháp sẽ điều động cán bộ giữa các địa phương và bộ ngành để tăng cường kinh nghiệm thực tiễn.

Nghị quyết nêu rõ, công tác xây dựng pháp luật phải xuất phát từ lợi ích tổng thể của đất nước, làm cho thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh. Các quy định cần đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, tập trung vào người dân và doanh nghiệp. Quốc hội chỉ quy định các vấn đề khung, nguyên tắc, còn các nội dung thường xuyên thay đổi sẽ do Chính phủ, bộ ngành và địa phương quy định để đảm bảo tính linh hoạt.

Chi ngân sách cho xây dựng pháp luật sẽ chiếm ít nhất 0,5% tổng chi hàng năm và tăng dần theo nhu cầu phát triển. Bộ Chính trị yêu cầu cắt giảm triệt để các điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường pháp lý minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng.

Quan điểm người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm phải được thực hiện nhất quán. Bộ Chính trị nhấn mạnh, "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự; không dùng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế". Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng công tác chống tham nhũng để trục lợi hoặc cản trở hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Để phát triển nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, Việt Nam sẽ có cơ chế thu hút đặc biệt đối với các chuyên gia giỏi về pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế. Đồng thời, chiến lược tăng cường vai trò của các chuyên gia Việt Nam trong các tổ chức pháp lý quốc tế cũng sẽ được xây dựng.

Ngân sách dành cho xây dựng pháp luật sẽ không dưới 0,5% tổng chi hàng năm, đồng thời quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật sẽ được thành lập, kết hợp giữa ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa.

Cùng chuyên mục

Tin mới