Thứ năm, 24/07/2025 05:12 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu '5 sao, 6 rõ' trong pháp luật

Chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng luật phải bảo đảm "5 sao, 6 rõ".

Kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật ngày 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm là cơ bản tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, pháp luật trong năm 2025, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, đưa thể chế từ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Cho ý kiến để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ các dự án luật, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm "phòng hơn chống", lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài; ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy; giảm cầu ma túy.

Ông cho rằng công tác ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy phải bắt đầu từ việc kiểm soát người nghiện.

tm-img-alt
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng người nghiện tăng thì nhu cầu ma túy tăng, kéo theo sự gia tăng nguồn cung. Do đó, ngăn chặn người nghiện là ngăn chặn phát triển nguồn cầu.

Tuy lưu ý phải đảm bảo tính nhân đạo, đặc biệt với trẻ vị thành niên nghiện ma túy, để các em vẫn được đảm bảo quyền học tập, rèn luyện nhưng Thủ tướng nhấn mạnh: "người đã nghiện ma túy là phạm tội". 

Hiện nay, Luật Phòng, chống ma túy vẫn xác định người nghiện là người bệnh cần hỗ trợ cai nghiện. Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi đang đề xuất thay đổi tiếp cận, coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi phạm tội.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt tù nếu thuộc một trong bốn trường hợp: đang cai nghiện bằng thuốc thay thế; đang bị quản lý sau cai nghiện; trong hai năm kể từ khi hết thời hạn quản lý; hoặc tự ý bỏ điều trị trong vòng hai năm.

tm-img-alt
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2025 (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đối với dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế) và dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế), Thủ tướng yêu cầu: Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quản lý hiện đại, các bộ, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiến tạo phát triển; giáo dục có tính liên thông, khuyến khích học tập suốt đời; khuyến khích, chú trọng đào tạo các ngành cơ bản; có chế độ đào tạo chuyên khoa, đặc thù như pháp y, truyền nhiễm, các ngành nghệ thuật…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về công nhận trình độ đào tạo, học hàm, học vị, trong đó có các lĩnh vực chuyên sâu; bộ, ngành Trung ương quản lý, hướng dẫn về chuyên môn từ Trung ương tới địa phương, còn quản lý cơ sở vật chất và con người thì phân cấp cho ai quản lý tốt nhất; nâng cao chất lượng các đại học, thích ứng nhanh với các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, gắn nghiên cứu, đào tạo với đổi mới sáng tạo, sản xuất kinh doanh.

Đối với nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, pháp luật, theo Thủ tướng, cần rà soát kỹ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm mục tiêu vừa kịp thời về thời gian, tiến độ, vừa nâng cao chất lượng: Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm nguyên tắc pháp lý cao nhất; các công cụ pháp lý phải sát thực tế, tinh thần chiến đấu cao, tính khả thi, tính hiệu quả.

Các hồ sơ, dự án luật sửa đổi, bổ sung cần làm rõ "5 sao" gồm: Vì sao lược bỏ, vì sao hoàn thiện, vì sao bổ sung, vì sao cắt bỏ thủ tục, vì sao phân cấp, phân quyền; các hồ sơ, dự án luật mới cần bảo đảm "6 rõ" gồm: (1) Rõ về phân cấp, phân quyền, (2) rõ quan điểm, nguyên tắc, (3) rõ việc cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, giảm phiền hà cho người dân, (4) rõ các quan điểm của Đảng phải thể chế hóa, (5) rõ tác động và hiệu quả khi ban hành luật, (6) rõ chính kiến khi còn ý kiến khác nhau. Diễn đạt phải ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá.

Cùng chuyên mục

Tin mới