Tham gia xây dựng pháp luật sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ 100% lương
Theo Bộ Chính trị, hằng tháng, những người trực tiếp, thường xuyên tham gia nghiên cứu chiến lược, chính sách và xây dựng pháp luật tại các cơ quan, đơn vị sẽ được hỗ trợ 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng.
Đây là nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Nghị quyết nhấn mạnh cần thực hiện các chính sách đặc thù và áp dụng chế độ thù lao hợp lý để thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia xây dựng, thi hành pháp luật. Cụ thể, chính sách này sẽ áp dụng mức thù lao, thuê khoán tương xứng, đồng thời kéo dài thời gian công tác đối với một số cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu sắc dù đã đến tuổi nghỉ hưu. Các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật sư giỏi cũng sẽ được thu hút vào làm việc tại khu vực công để góp phần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
Ngoài ra, công tác đào tạo nhân lực pháp lý cũng sẽ được chú trọng hơn. Các cơ sở đào tạo luật trọng điểm, có uy tín sẽ được đầu tư phát triển, trong khi những cơ sở không đáp ứng đủ tiêu chí, tiêu chuẩn sẽ bị chấm dứt hoạt động. Chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật sẽ được xây dựng, cùng với việc thiết lập chuẩn đào tạo cho các chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp.
Bên cạnh đó, các cơ sở nghiên cứu pháp luật và chính sách cũng sẽ được nâng cao chất lượng. Bộ Tư pháp sẽ xây dựng đề án phát triển tổ chức nghiên cứu chiến lược, chính sách pháp luật thành cơ sở nghiên cứu trọng điểm quốc gia, đặt mục tiêu trở thành trung tâm dẫn đầu khu vực ASEAN.
Về tài chính, Nghị quyết chỉ rõ cần đổi mới cách phân bổ, quản lý ngân sách dành cho công tác xây dựng pháp luật trên nguyên tắc kịp thời, đúng, đủ và gắn với khoán chi dựa trên kết quả, sản phẩm của từng nhiệm vụ, hoạt động. Người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí được giao và đảm bảo chi cho công tác xây dựng pháp luật không dưới 0,5% tổng chi ngân sách hàng năm, đồng thời tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật sẽ được thành lập, với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước kết hợp nguồn xã hội hóa hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước. Việc quản lý quỹ sẽ bảo đảm công khai, minh bạch, phòng ngừa các biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.
Ngoài chi phí xây dựng pháp luật, ngân sách cũng cần được phân bổ phù hợp cho công tác tổ chức thi hành pháp luật. Nguồn lực sẽ được ưu tiên hỗ trợ các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế.