Thứ bảy, 26/04/2025 05:05 (GMT+7)

Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ chỉ định Bí thư Tỉnh ủy sau sáp nhập

Sau khi các địa phương hoàn tất việc sáp nhập, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định các chức danh lãnh đạo chủ chốt, bao gồm bí thư, phó bí thư, ban chấp hành và ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.

Ngày 23/4, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành hướng dẫn về việc thành lập tổ chức đảng phù hợp tại các đơn vị hành chính địa phương sau sáp nhập. Theo đó, tỉnh hoặc thành phố được xác định là trung tâm chính trị - hành chính mới sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng đề án thành lập đảng bộ tỉnh hoặc thành phố mới.

tm-img-alt
Một góc trung tâm TP Hải Phòng.

Đề án này phải tuân thủ quy định của Điều lệ Đảng, đồng thời bám sát các nguyên tắc chỉ đạo của Trung ương. Nội dung đề án cần quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, các cơ quan tham mưu hỗ trợ, cùng với các tổ chức đảng và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Các địa phương phải hoàn tất và gửi đề án này về Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 15/6.

Ban Tổ chức Trung ương sẽ thẩm định đề án và xây dựng phương án tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thành lập đảng bộ mới tại các tỉnh, thành phố. Việc chỉ định các chức danh quan trọng như ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban kiểm tra và các chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra sẽ được hoàn thành trước ngày 15/9, áp dụng cho nhiệm kỳ 2020-2025.

Sau khi đề án được phê duyệt và quyết định được ban hành, các ban thường vụ cấp tỉnh phải bố trí lại lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan tham mưu chuyên trách, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở biên chế hiện có. Công việc này cần được hoàn thành trước ngày 15/9.

Đối với các tỉnh, thành phố không thực hiện sáp nhập, các địa phương được yêu cầu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo quy định từ Trung ương.

Hướng dẫn cũng nêu rõ, sau khi Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp 2013 và việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã có hiệu lực, cấp ủy cấp tỉnh sẽ quyết định chấm dứt hoạt động của các đảng bộ huyện và xã cũ, đồng thời thành lập các đảng bộ cấp xã mới.

Ban thường vụ tỉnh, thành ủy hiện tại sẽ chịu trách nhiệm quyết định thành lập các đảng bộ cấp xã và chỉ định các chức danh lãnh đạo chủ chốt, bao gồm ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp xã cho nhiệm kỳ 2025-2030.

Theo đó, các cơ quan tham mưu, hỗ trợ và đơn vị sự nghiệp của cấp ủy cấp xã sẽ được thành lập trên cơ sở đảng ủy xã, phường và thị trấn. Các đảng ủy cấp xã sẽ có ba cơ quan chuyên trách gồm văn phòng, ban xây dựng đảng và cơ quan ủy ban kiểm tra. Tại các đảng ủy xã, phường có trụ sở trung tâm chính trị cấp huyện, sẽ thành lập thêm trung tâm chính trị, hoạt động như một đơn vị sự nghiệp của đảng ủy.

Đối với đảng ủy đặc khu, với vai trò là cấp trên trực tiếp của các tổ chức cơ sở đảng, sẽ được tổ chức bốn cơ quan tham mưu gồm văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo và Dân vận, cùng với cơ quan ủy ban kiểm tra và trung tâm chính trị.

Tỉnh ủy, thành ủy sẽ bố trí cán bộ, công chức, viên chức dựa trên nguồn nhân lực sẵn có, tập trung điều động từ các cấp huyện, xã hiện nay, đồng thời bổ sung một số lãnh đạo từ các ban, sở, ngành cấp tỉnh xuống các xã mới. Quá trình này phải hoàn tất trước ngày 1/7.

Biên chế các cơ quan chuyên trách và đơn vị sự nghiệp cấp xã sau sáp nhập sẽ dao động từ 15-17 người. Đối với các xã có trung tâm chính trị, số lượng biên chế tối đa là 20 người. Trong trường hợp cần thiết, địa phương có thể tạm thời tăng số lượng biên chế, nhưng sẽ phải điều chỉnh về đúng quy định trong vòng 5 năm.

Đối với các xã, phường không thực hiện sáp nhập, việc bố trí biên chế cần phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo sự cân đối trong hệ thống chính trị chung. Trong trường hợp địa giới hành chính được điều chỉnh, ban thường vụ cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo việc chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên giữa các đơn vị cấp xã.

Công tác sắp xếp lại bộ máy và bố trí nhân sự ở cấp xã sẽ được báo cáo về Ban Tổ chức Trung ương chậm nhất vào ngày 15/8.

Theo Nghị quyết 60, ban hành ngày 12/4, cả nước sẽ có 11 tỉnh, thành phố giữ nguyên trạng, bao gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng. 52 địa phương khác sẽ thực hiện sáp nhập để giảm xuống còn 23 tỉnh, thành phố. Tổng cộng, cả nước sẽ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sẽ giảm khoảng 60-70% so với hiện tại.

Cùng chuyên mục

Tin mới