Thứ tư, 16/04/2025 14:45 (GMT+7)

Bộ Chính trị hướng dẫn chọn nhân sự cấp tỉnh, cấp xã khi sáp nhập

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Kết luận 150, hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh, cấp xã khi hợp nhất, sáp nhập và thành lập đơn vị hành chính mới; nhằm đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công bằng, đúng quy định.

Kết luận của Bộ Chính trị khẳng định cần giữ vững nguyên tắc trong công tác nhân sự, bảo đảm các tiêu chí chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, và công tâm. Việc bố trí, phân công, giới thiệu nhân sự phải dựa trên cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực lãnh đạo, uy tín, và tinh thần đổi mới sáng tạo. Những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ được ưu tiên.

tm-img-alt
Công chức tại Bộ phận Một cửa.

Bộ Chính trị nhấn mạnh cần tránh hiện tượng cục bộ địa phương, "lợi ích nhóm" hay các hành vi tiêu cực trong công tác nhân sự. Đồng thời, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số và cán bộ khoa học, công nghệ phải được quan tâm nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Bộ Chính trị nhắc nhở không phân công, bố trí nhân sự giữ chức vụ cao hơn hoặc quan trọng hơn đối với cán bộ từng bị kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020-2025, hoặc có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, thanh tra.

Tạm thời linh hoạt về số lượng nhân sự, đảm bảo điều chỉnh sau 5 năm

Tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập, Bộ Chính trị cho phép số lượng cấp phó như phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND và các vị trí cấp phó khác có thể nhiều hơn so với quy định. Tương tự, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ hay ủy ban kiểm tra cấp ủy tại một số cơ quan, đơn vị cũng có thể vượt mức. Tuy nhiên, Bộ Chính trị lưu ý, sau 5 năm, số lượng nhân sự phải được điều chỉnh phù hợp với quy định hiện hành.

Đặc biệt, tại các đảng bộ cấp xã, phường, đặc khu sau khi sáp nhập, có thể xem xét bố trí cấp ủy viên cấp tỉnh làm bí thư đảng ủy cấp xã. Trong trường hợp các đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế lớn, hạ tầng phát triển, dân số và số lượng đảng viên đông, có thể bố trí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy làm bí thư đảng ủy.

Về tiêu chuẩn cấp ủy viên, ủy ban kiểm tra cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện theo Quy định số 89 và các quy định liên quan. Các tiêu chuẩn cần được cụ thể hóa rõ hơn, bao gồm chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo và các kết quả, sản phẩm cụ thể của cán bộ.

Các tiêu chuẩn này sẽ được căn cứ theo Chỉ thị mới của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Xây dựng phương án nhân sự

Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì xây dựng các phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt tại các địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập, gồm các chức danh như: bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn ĐBQH và các ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.

Phương án nhân sự sẽ được báo cáo xin ý kiến Tổng Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư để hoàn thiện trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Kết luận 150 đưa ra quy trình 3 bước trong xây dựng phương án nhân sự cấp tỉnh:

(1) Xây dựng và thông qua phương án nhân sự: Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy của địa phương hợp nhất, sáp nhập xây dựng phương án nhân sự.

(2) Báo cáo Ban Tổ chức Trung ương: Dựa trên phương án đã xây dựng, Ban Tổ chức Trung ương sẽ xem xét, cho ý kiến để hoàn thiện phương án.

(3) Hoàn thiện phương án nhân sự: Phương án được điều chỉnh, hoàn thiện theo ý kiến từ các cấp có thẩm quyền trước khi ban hành.

Đối với cấp xã, phương án nhân sự cũng dựa trên tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng được nêu tại Chỉ thị mới của Bộ Chính trị cùng các quy định liên quan. Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đóng vai trò chủ đạo trong việc rà soát, chỉ đạo và thông qua các phương án nhân sự cấp xã, đảm bảo bám sát yêu cầu chung.

Rà soát và bố trí cán bộ trước khi sáp nhập

Bộ Chính trị nhấn mạnh, trước khi kết thúc hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện hoặc cấp xã và thành lập đơn vị mới, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy cần rà soát toàn diện nguồn cán bộ tại các cấp. Từ đó, lên phương án điều động, phân công, bố trí nhân sự giữ các chức vụ chủ chốt như cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư.

Đồng thời, cần rà soát đội ngũ lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện, lãnh đạo cấp xã, để phân công, bố trí nhân sự đảm nhiệm các chức vụ tại đơn vị hành chính cấp xã mới ngay khi được thành lập.

Bộ Chính trị yêu cầu các công việc này phải được thực hiện chặt chẽ, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với công tác cán bộ trong giai đoạn mới.

Cùng chuyên mục

Chế độ với cán bộ, công viên chức khi tinh giản bộ máy
Chính phủ ban hành Nghị định 67/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 178 quy định chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy nhà nước.
Thông qua Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi
Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng nay (18/2), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với 463/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Tin mới

Cựu chiến binh sống nhân ái, nghĩa tình
Nhiều năm qua, người dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn quen thuộc với hình ảnh người cựu chiến binh Đỗ Văn Ngưỡng giàu lòng nhân ái, thường xuyên giúp đỡ những gia đình khó khăn, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội.