Thứ sáu, 25/04/2025 17:30 (GMT+7)

Thuế thu nhập cá nhân sắp tới sẽ minh bạch, công bằng

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I, Bộ Tài chính khẳng định đẩy nhanh quá trình xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới, thay thế luật hiện hành. Dự án này hướng đến đảm bảo tính công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Trong cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) – cho biết Bộ Tài chính đã xây dựng đề nghị về Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới nhằm thay thế cho luật hiện hành. Động thái này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội. Trong quá trình xây dựng, Bộ đã lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương và công khai thông tin trên các cổng thông tin điện tử để tiếp nhận ý kiến từ các bên liên quan.

Bộ Tài chính cũng đã gửi tờ trình lên Chính phủ, đề xuất xây dựng dự án luật này. Đây là một bước quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách thuế, hướng đến sửa đổi toàn diện để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, đồng thời đáp ứng các thông lệ quốc tế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy trình nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng và ban hành luật.

tm-img-alt
Cần xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh cũng như biểu thuế lũy tiến để bảo đảm chính sách thuế phù hợp thực tế.

Theo GS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Ngân hàng-Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), thuế thu nhập cá nhân là một trong 9 loại thuế chính, đóng góp hơn 198 nghìn tỷ đồng trong tổng thu ngân sách hơn 1,9 triệu tỷ đồng (ước tính) năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng nguồn thu. Tỷ trọng này ngày càng tăng, góp phần điều tiết thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội.

Từ năm 2020 đến 2024, tổng thu từ thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam đã tăng mạnh, với mức tăng khoảng 80% chỉ trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng này đặt ra nhiều vấn đề về tính hợp lý của chính sách thuế hiện hành, đặc biệt là mối quan hệ giữa tốc độ tăng số thu thuế và mức tăng thu nhập bình quân đầu người.

Đáng chú ý, tốc độ tăng thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn này không chỉ vượt xa tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người, mà còn không phản ánh đúng sự thay đổi của thu nhập thực tế. Vì vậy, cần xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến nhằm đảm bảo sự công bằng và phù hợp với tình hình kinh tế cũng như mức sống của người lao động tại Việt Nam.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) - nhận xét rằng mức giảm trừ bản thân hiện tại của Việt Nam, khi so sánh với GDP bình quân đầu người, khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Chẳng hạn, so với Indonesia - một quốc gia có GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.981 USD, gần tương đương với Việt Nam (4.700 USD) - thì mức giảm trừ bản thân của Việt Nam lại cao hơn khoảng 50%.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế - đánh giá biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện nay với 7 bậc thuế (5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%) là chưa hợp lý. Khoảng cách giữa các bậc thuế quá hẹp, dẫn đến việc người có thu nhập cao bị điều tiết thuế ở mức khá lớn.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Cúc cũng đề xuất cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần và quy định rõ ràng hơn về thu nhập chịu thuế từ lương, công, bao gồm cả thu nhập bằng hiện vật và các khoản lợi ích khác. Điều này nhằm đảm bảo sự minh bạch, đồng nhất giữa thu nhập từ tiền lương với các loại thu nhập khác, cũng như giữa thuế thu nhập cá nhân và các sắc thuế khác.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại phương thức thu thuế để tránh bất cập như hiện nay. Hiện tại, thuế thu nhập cá nhân được tạm thu theo tháng và quyết toán vào cuối năm. Điều này dẫn đến việc người lao động phải nộp thuế ngay từ đầu năm với lương tháng 13, thưởng Tết... nhưng phải chờ đến quý I năm sau để quyết toán và được bù trừ, gây thiệt thòi cho họ.

Cùng chuyên mục

Đề xuất sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố
Đề án xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải cấp hành chính. Trước mắt, số lượng thôn, tổ dân phố hiện tại sẽ được giữ nguyên, đồng thời hướng tới việc cải thiện quản lý tại cơ sở.

Tin mới