Quốc hội thảo luận về vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) bày tỏ sự đồng tình với việc xác định rõ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sửa đổi Hiến pháp 2013.
Ngày 14/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

ĐB Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) bày tỏ sự thống nhất cao với các nội dung sửa đổi, đặc biệt là khoản 2 Điều 9. Theo đó, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam được xác định là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Thân cũng đồng tình với việc sửa đổi quyền đề nghị lập pháp, nhấn mạnh rằng sáng kiến lập pháp cần được tập trung tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay vì phân tán ở các tổ chức chính trị - xã hội riêng lẻ.
Ông Thân đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi thêm một điều khác, nâng tổng số lên 9 điều. Cụ thể, khoản 8 Điều 96 của Hiến pháp quy định Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. "Bây giờ chúng ta tập trung đầu mối về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do đó đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa khoản 8 Điều 96 để đảm bảo thống nhất trong các nội dung của Hiến pháp", ông Thân nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc phản ánh ý kiến và kiến nghị của nhân dân. Đây là bước tiến lớn trong việc thể chế hóa cơ chế dân chủ. Ông Hùng đề xuất cần sớm sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, tập trung vào các quy định cụ thể về cơ chế phản biện, giám sát xã hội và xử lý kiến nghị của người dân.
Ông Hùng cũng nêu rõ vai trò của Công đoàn Việt Nam, tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện quốc gia trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, để Công đoàn thực sự phát huy hiệu quả, ông đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn 2024, đảm bảo quyền tự chủ trong thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và tính độc lập trong vai trò đại diện người lao động. Những nội dung này cần phù hợp với các công ước quốc tế về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, đồng thời đáp ứng cam kết của Hiệp định CPTPP.
ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) nhận định việc bổ sung quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động trong giai đoạn hiện nay. Bà nhấn mạnh, các quy định này sẽ phát huy vai trò trực tiếp của nhân dân trong giám sát, phản biện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
ĐB Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) đồng thuận với việc quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo ông Kim, trong khi tổ chức bộ máy được sắp xếp lại, các cơ quan chuyên trách của 5 tổ chức này trực thuộc cơ quan thường trực của Mặt trận là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, về mặt tổ chức, các đơn vị này vẫn hoạt động độc lập theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Kim cũng nhấn mạnh 4 yếu tố quan trọng để duy trì tôn chỉ, mục đích của Mặt trận, gồm: liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động. Ông cho rằng, đây là nền tảng vững chắc cho tổ chức Mặt trận, thể hiện sự sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Hồ Chủ tịch khi sáng lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. "Bổ sung 5 tổ chức này là thành viên nòng cốt của Mặt trận, còn các tổ chức khác sẽ đứng xung quanh Mặt trận", ông Kim nói.
Những ý kiến trên thể hiện sự đồng thuận cao trong việc khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.