Chủ nhật, 06/07/2025 09:37 (GMT+7)

Luật mới: Những điều cấm và bắt buộc đối với doanh nghiệp

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 76/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 76/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

Sửa đổi định nghĩa cổ tức, giá thị trường

Một số định nghĩa tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 được sửa đổi tại Luật sửa đổi số 76/2025/QH15 như sau:

Luật Doanh nghiệp 2020

Luật sửa đổi số 76/2025/QH15

Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác.

Cổ tức là khoản lợi nhuận sau thuế được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền hoặc bằng tài sản khác.

Giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm liền kề trước đó, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá xác định.

Giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là:

- Giá giao dịch bình quân trong vòng 30 ngày liền kề trước ngày xác định giá hoặc giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá xác định đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán;

- Giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm liền kề trước đó hoặc giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá xác định đối với phần vốn góp hoặc cổ phần không thuộc điểm a khoản này.

Giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: thẻ Căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác.

Giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: thẻ Căn cước, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác.

Không có

Bổ sung quy định:

Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp) là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ hoặc có quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó, trừ trường hợp người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có nghĩa vụ lưu giữ thông tin chủ sở hữu

Luật sửa đổi số 76/2025/QH15 bổ sung khoản 5a Điều 8 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thêm nghĩa vụ thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp; cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp khi được yêu cầu.

Ngoài ra, Luật sửa đổi số 76/2025/QH15 còn bổ sung điểm h vào khoản 1 Điều 11 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp phải lưu giữ danh sách chủ sửa hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (nếu có).

Bổ sung trường hợp công chức được thành lập, quản lý, góp vốn vào doanh nghiệp

Theo khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi số 76/2025/QH15, quy định trên được sửa đổi thành: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ trường hợp được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có thể được thành lập, quản lý doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật sửa đổi số 76/2025/QH15 cũng điều chỉnh quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép cán bộ, công chức, viên chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh để thực hiện quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải nộp thêm danh sách chủ sở hữu

Tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi số 76/2025/QH15 bổ sung yêu cầu phải có thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (nếu có) vào Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, hồ sơ đăng ký kinh doanh cũng phải có thêm: Danh sách chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (nếu có).

Danh sách chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; dân tộc; giới tính; địa chỉ liên lạc; tỉ lệ sở hữu hoặc quyền chi phối; thông tin về giấy tờ pháp lý của cá nhân chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có quyền đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp được lưu giữ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để phục vụ công tác về phòng, chống rửa tiền và không phải trả phí.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật sửa đổi số 76/2025/QH15: Đối với doanh nghiệp được đăng ký thành lập trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì việc bổ sung thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (nếu có), thông tin để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp (nếu có) được thực hiện đồng thời tại thời điểm doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần nhất, trừ trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu bổ sung thông tin sớm hơn.

Bỏ quy định cũ về chữ ký số, tài khoản đăng ký kinh doanh

Các quy định về sử dụng chữ ký số, tài khoản đăng ký kinh doanh để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại khoản 3, 4 Điều 26 được bãi bỏ.

Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết hồ sơ, thủ tục và đăng ký điện tử.

Phải thông báo khi có thay đổi thông tin về chủ sở hữu

Luật sửa đổi số 76/2025/QH15 bổ sung quy định, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi có thay đổi thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết và công ty đăng ký giao dịch chứng khoán.

Điều chỉnh quy định về giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần

Quy định công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ tại khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp được điều chỉnh bởi khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi số 76/2025/QH15 như sau:

Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỉ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp không kể thời gian đăng ký tạm ngừng kinh doanh và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.

Bên cạnh đó, bổ sung trường hợp: Công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu, điều kiện được ghi tại cổ phiếu cho cổ đông sở hữu cổ phần có quyền ưu đãi hoàn lại theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Điều chỉnh, bổ sung quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ

Quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ tại Điều 128 Luật Doanh nghiệp 2020 được điều chỉnh tại Luật sửa đổi số 76/2025/QH15 như sau:

- Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ thực hiện theo quy định pháp luật về chứng khoán.

- Công ty cổ phần không phải công ty đại chúng chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đáp ứng thêm điều kiện:

Có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành theo báo cáo tài chính năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán;

Trừ tổ chức phát hành là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện dự án bất động sản, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Doanh nghiệp mới nhất 2025

Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 (được sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2025) cụ thể như sau:

(1) Cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, nhũng nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(2) Ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.

(3) Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh.

(4) Kê khai giả mạo, kê khai không trung thực, kê khai không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

(Trước ngày 1/7/2025 quy định: Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp).

(5) Kê khai khống vốn điều lệ thông qua hành vi không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký mà không thực hiện đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định của pháp luật; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

(Trước ngày 1/7/2025 quy định: Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị).

(6) Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.

(7) Lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp

Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp bao gồm:

- Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau đây:

+ Cất giấu, tẩu tán tài sản;

+ Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

+ Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;

+ Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;

+ Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;

+ Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

+ Huy động vốn dưới mọi hình thức.

- Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2020 có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Quy định những điều cấm với doanh nghiệp. Điều kiện thành lập doanh nghiệp. Những quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Vì sao hàng giả vẫn len lỏi vào trường học, bệnh viện?
Tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Tô Văn Tám, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, bày tỏ lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng nhái và các hành vi gian lận thương mại vẫn diễn ra phổ biến.

Tin mới