Hải Phòng sau hợp nhất với Hải Dương: Thành phố mới hơn 4,6 triệu dân
Chính quyền TP. Hải Phòng đang lấy ý kiến cử tri về dự thảo Đề án sáp nhập với tỉnh Hải Dương, theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12.4.2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết 60-NQ/TW, trong đó nhất trí phương án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Thành phố sau hợp nhất sẽ mang tên Hải Phòng, tiếp tục đặt trung tâm chính trị - hành chính tại khu vực hiện nay của TP Hải Phòng.

Thực hiện các chỉ đạo từ Nghị quyết số 60-NQ/TW cùng các kết luận liên quan của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Sở Nội vụ TP Hải Phòng đã xây dựng dự thảo Đề án hợp nhất hai địa phương. Cùng với đó, tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến cử tri cũng được phổ biến nhằm đảm bảo minh bạch và toàn diện trong quá trình quyết định.
Theo đề án, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, cùng Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị. Mục tiêu chính của quá trình này là giảm số lượng đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm gánh nặng ngân sách. Đồng thời, việc hợp nhất cũng hướng đến tạo điều kiện để các địa phương khai thác tối đa nguồn lực đất đai, tài nguyên, dân số nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng hiện đại hóa.
Sau khi hợp nhất, TP Hải Phòng mới sẽ có diện tích 3.194,7 km² (đạt 212,98% tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương) và dân số 4.664.124 người (đạt 466,41% tiêu chuẩn). Thành phố sẽ tiếp giáp các địa phương mới, bao gồm tỉnh Bắc Giang (tỉnh Bắc Ninh mới) ở phía Bắc, tỉnh Thái Bình (tỉnh Hưng Yên mới) ở phía Nam, tỉnh Quảng Ninh ở phía Đông, và tỉnh Bắc Ninh cùng tỉnh Hưng Yên ở phía Tây. Trung tâm chính trị - hành chính của TP Hải Phòng (mới) vẫn sẽ đặt tại khu vực trung tâm hành chính đang được hoàn thiện của TP Hải Phòng hiện nay.
Về cơ cấu hành chính, TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sau hợp nhất sẽ có 114 đơn vị hành chính cấp xã, phường, gồm: 46 phường, 66 xã, và 2 đặc khu. Trong đó, Hải Phòng hiện tại có 50 đơn vị hành chính với 25 phường, 23 xã và 2 đặc khu; còn Hải Dương có 64 đơn vị hành chính với 21 phường và 43 xã.
Đề án cũng đưa ra lộ trình 3 năm kể từ khi Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập có hiệu lực để UBND TP Hải Phòng hoàn tất việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Việc này phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, tránh lãng phí, đồng thời khai thác tài sản công một cách hiệu quả.
Ngoài ra, TP Hải Phòng sau hợp nhất sẽ nghiên cứu, xây dựng các phương án hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương, như hỗ trợ phương tiện đi lại, nhà ở, và kết nối giao thông. Những giải pháp này nhằm đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi nhất cho đội ngũ nhân sự trong giai đoạn chuyển đổi.
Việc sáp nhập không chỉ tạo ra một đơn vị hành chính lớn mạnh hơn, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tập trung được các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, qua đó phục vụ người dân tốt hơn.