Hải Phòng phát triển AI, bán dẫn trong khu thương mại tự do
Khu thương mại tự do Hải Phòng được kỳ vọng trở thành mô hình đột phá, thúc đẩy khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, đồng thời thu hút nhân lực chất lượng cao và nguồn lực đầu tư lớn.
Tại phiên họp sáng ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển thành phố Hải Phòng. Một nội dung nổi bật trong dự thảo là đề xuất thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại địa phương này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, khu vực thương mại tự do dự kiến sẽ đóng vai trò là nơi thí điểm các cơ chế mang tính đột phá, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu, công nghiệp, nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như nguồn nhân lực có trình độ cao. Khu vực này sẽ bao gồm nhiều khu chức năng như sản xuất, cảng – logistics, thương mại – dịch vụ và đáp ứng tiêu chuẩn của khu phi thuế quan với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan hải quan.
Theo Bộ trưởng, khu thương mại tự do sẽ áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt đối với các lĩnh vực mũi nhọn như trung tâm đổi mới sáng tạo, ngành công nghiệp sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, vi mạch điện tử (IC), chip, công nghệ vật liệu bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới và tự động hóa. Ngoài ra, khu vực này còn hướng đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hệ thống hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và logistics.
Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra các chính sách ưu đãi đáng chú ý như miễn thị thực và cấp thẻ tạm trú có thời hạn 10 năm cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài nước ngoài cùng gia đình nếu làm việc tại các doanh nghiệp trong khu thương mại tự do. Các doanh nghiệp đầu tư tại khu vực này sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi về giao đất, thuê đất không qua đấu giá, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và thông quan. Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghệ chiến lược sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 30 năm, miễn thuế trong 4 năm đầu và được giảm 50% trong 9 năm kế tiếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, ông Phan Văn Mãi, bày tỏ sự đồng thuận đối với chủ trương phát triển khu thương mại tự do tại Hải Phòng. Tuy nhiên, ông lưu ý cần cân nhắc đến các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội cũng như tác động kinh tế, ngân sách, ảnh hưởng đến xã hội, sự lan tỏa vùng miền, đồng thời phải có cơ chế quản lý rủi ro và giám sát phù hợp. Ủy ban cũng đề xuất cần tính toán kỹ lưỡng về thời hạn ưu đãi thuế, cũng như xem xét tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Ngoài ra, cơ chế quản lý hàng hóa chuyển khẩu và giao dịch bằng ngoại tệ cũng cần được quy định rõ ràng nhằm phòng tránh gian lận thương mại và đảm bảo an toàn tiền tệ.
Ông Mãi nhấn mạnh: “Đề nghị quy định tại Nghị định để bảo đảm có cơ chế kiểm soát khi thực hiện chính sách”, đồng thời cho biết, ông ủng hộ mức ưu đãi thuế như đề xuất nhưng cần xem xét thời hạn áp dụng và đảm bảo tuân thủ các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Liên quan đến hoạt động chuyển khẩu hàng hóa, ông yêu cầu làm rõ cơ chế kiểm soát đối với các mặt hàng nhạy cảm, dễ phát sinh gian lận như thuốc lá, xăng dầu, thiết bị điện tử.
Đối với các chính sách liên quan đến giao dịch, định giá và thanh toán bằng ngoại tệ trong khu thương mại tự do, ông cũng lưu ý rằng những chính sách này có thể tác động trực tiếp đến việc quản lý ngoại hối và an ninh tiền tệ, tuy nhiên dự thảo hiện vẫn chưa nêu rõ các cơ chế quản trị rủi ro, phòng chống rửa tiền.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc ban hành chính sách đặc thù cho Hải Phòng là bước đi chiến lược, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, theo đúng tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát”. Ông nhấn mạnh việc tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa sẽ tạo điều kiện để thành phố Hải Phòng khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có. Trong bối cảnh Quốc hội chuẩn bị thông qua phương án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh tại kỳ họp thứ 9, nghị quyết này sẽ trao thêm quyền tự chủ cho thành phố Hải Phòng trong việc quyết định các dự án quy mô lớn, nhất là khi tỉnh Hải Dương được sáp nhập. Đồng thời, ông ủng hộ đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố Hải Phòng từ 70% hiện nay lên trên 80%, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư và phát triển hệ thống hạ tầng.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Bên cạnh tập trung nguồn lực nhà nước, cần chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của Hải Phòng”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng, cho biết hiện nay không chỉ riêng Hải Phòng được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, mà các địa phương như Đà Nẵng, TP. HCM, Cần Thơ và một số nơi khác cũng đang được hưởng ưu đãi tương tự. Trong thời gian tới, các địa phương này sẽ tiếp tục mở rộng diện tích hành chính thông qua việc sắp xếp, điều chỉnh và sáp nhập địa giới.
Vì vậy, ông Tùng kiến nghị cần xây dựng một nguyên tắc chung để áp dụng đối với việc mở rộng chính sách đặc thù cho các địa phương sau khi mở rộng diện tích. Ông cũng đề xuất Chính phủ cần xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này để Quốc hội có cơ sở thảo luận và thông qua nguyên tắc áp dụng tại kỳ họp thứ 5 tới.
Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào ngày 5/5.