Từ chuyện quảng cáo của Nestlé Việt Nam: Những vấn đề pháp lý liên quan
Hôm nay (20/5), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được phản ánh về việc các sản phẩm Nestlé Milo có nội dung quảng cáo liên quan đến báo cáo thử nghiệm lâm sàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Cục An toàn thực phẩm đã gửi công văn cho Sở Y tế Đồng Nai đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý việc quảng cáo sản phẩm này theo quy định hiện hành.
Đồng thời, Cục cũng đã đề nghị Viện Dinh dưỡng quốc gia khẩn trương kiểm tra, rà soát nội dung truyền thông, quảng cáo các sản phẩm này để bảo đảm tuân thủ quy định Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm và thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.
Viện Dinh dưỡng yêu cầu Nestlé Việt Nam bỏ thông tin quảng cáo vi phạm
Trước đó, Viện Dinh dưỡng đã gửi văn bản đến Nestlé Việt Nam với tiêu đề “rà soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong truyền thông”.
Viện Dinh dưỡng cũng nêu rõ yêu cầu: “Công ty kiểm tra, rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm, nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng mà vi phạm các quy định nêu trên, đề nghị gỡ bỏ ngay nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức về dinh dưỡng cho cộng đồng”.
Đây là động thái sau khi có thông tin về việc Nestlé Việt Nam đã in trên vỏ hộp sữa Milo với dòng chữ "Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng...”

Thông tin với báo chí, Viện này cho biết, Viện và Nestle từng hợp tác nghiên cứu đề tài khoa học “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch NESTLÉ MILO lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”, thực nghiệm đối với 576 học sinh tiểu học tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vào năm 2022 và 2023.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc kết hợp giáo dục thể chất và sử dụng sản phẩm Nestlé Milo không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng và trí lực của học sinh sau 3 tháng nghiên cứu. Tuy nhiên, nghiên cứu lại cho thấy sự kết hợp này góp phần cải thiện đáng kể các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo của học sinh.
Nestlé Việt Nam khẳng định mình hoàn toàn tuân thủ pháp luật
Trong khi đó, Nestlé Việt Nam vẫn khẳng định cam kết mang đến những sản phẩm chất lượng, tuân thủ các quy định liên quan về an toàn thực phẩm. Công ty cũng xác nhận việc hợp tác với Viện Dinh dưỡng trong đề tài nghiên cứu khoa học nói trên và nhấn mạnh rằng nghiên cứu đã được phê duyệt và nghiệm thu theo đúng quy trình.
Một trong những điểm quan trọng trong phản hồi của Nestlé là việc Công ty trích dẫn kết quả nghiên cứu khẳng định sản phẩm Nestlé Milo kết hợp với hoạt động thể chất giúp cải thiện các tố chất thể lực của học sinh. Công ty cho biết đã hợp tác với Viện Dinh dưỡng tổ chức hội thảo để phổ biến kết quả này và khẳng định đã xem xét kỹ lưỡng các quy định pháp lý trước khi đưa thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng.
Đặc biệt, Nestlé Việt Nam viện dẫn Điều 27 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm. Theo đó, chỉ các nhóm sản phẩm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi mới bắt buộc phải đăng ký nội dung quảng cáo. Nestlé cho rằng sản phẩm sữa lúa mạch Milo không thuộc các trường hợp này và cũng không thuộc danh mục bị cấm quảng cáo theo Luật Quảng cáo. Dựa trên cơ sở này, Nestlé Việt Nam tự tin rằng việc truyền thông kết quả nghiên cứu là hoàn toàn tuân thủ pháp luật.
Những tranh cãi pháp lý tiềm ẩn
Câu chuyện tranh cãi giữa Viện Dinh dưỡng và Nestlé Việt Nam chưa xác định ai đúng ai sai, nhưng thực tế cho thấy hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn rất nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi các cơ quan quản lý phải vào cuộc.
Tại công văn số 2310/BYT-ATTP về việc tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm và thực phẩm chức năng mới đây, Bộ Y tế khẳng định không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
* Tính trung thực và đầy đủ của thông tin quảng cáo: Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm quảng cáo; thiếu thẩm mỹ, trái truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân hay quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng, giá, công dụng... của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Theo khoản 1, Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, tổ chức, cá nhân kinh doanh không được phép lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp.
Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố có thể bị áp dụng mức phạt tiền 60-80 triệu đồng. Còn theo khoản 4, Điều 5 Nghị định này, mức phạt đối với tổ chức vi phạm sẽ bằng 2 lần mức phạt trên, tức 120-160 triệu đồng.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng vẫn tiếp tục tái phạm, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt đối với tội danh này là phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị xử phạt bổ sung với số tiền 5-50 triệu đồng và cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
* Sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học: Việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong quảng cáo cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng, đảm bảo không xuyên tạc hoặc thổi phồng tác dụng của sản phẩm. Dù trích dẫn đúng kết quả nghiên cứu về cải thiện thể lực, nhưng việc không đề cập đến những mặt khác có thể bị xem là hành vi quảng cáo không minh bạch. Các cơ quan quản lý có thể xem xét liệu cách truyền thông có tạo ra ấn tượng sai lệch về lợi ích tổng thể của sản phẩm hay không.
* Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.