Tổng Bí thư Tô Lâm: Chúng ta còn thiếu 15.000-20.000USD nữa để đạt thu nhập cao
Trước quan tâm của cử tri về vấn đề lựa chọn cán bộ khi sắp xếp bộ máy, sáp nhập tỉnh, xã, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là nhiệm vụ "then chốt của then chốt", yêu cầu chọn người đủ năng lực, trách nhiệm và tư duy để phục vụ nhân dân.
Bộ máy nhà nước không phải là nơi "trú chân an toàn"
Trả lời cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Hội nghị Trung ương 11 vừa qua đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có định hướng tổ chức lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, chuyển từ mô hình thụ động sang phục vụ nhân dân và thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Ông nhấn mạnh, việc sắp xếp này không chỉ giúp giảm chi phí hành chính mà còn tạo dư địa phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, đồng thời đưa chính quyền đến gần dân hơn, sát dân hơn.
Khi bộ máy được tinh giản, số lượng biên chế sẽ giảm, kéo theo tiết kiệm ngân sách, tạo điều kiện để tập trung nguồn lực cho những nhiệm vụ quan trọng hơn.
Tổng Bí thư chia sẻ rằng ở giai đoạn đầu, Trung ương đã làm gương trong việc sắp xếp bộ máy các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, và Mặt trận Tổ quốc. Quá trình này đã nhận được đánh giá tích cực, không gây ảnh hưởng đến hoạt động đối nội, đối ngoại hay sự phát triển chung của đất nước.
Đối với giai đoạn 2, Tổng Bí thư nêu rõ việc phân cấp cần cụ thể, xác định rõ Trung ương, địa phương, xã có nhiệm vụ gì để tránh tình trạng chồng chéo trách nhiệm. Ông nhấn mạnh: "Trung ương cần lo chiến lược, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, còn lại phân cấp cho địa phương. Cấp xã là cấp chính quyền gần dân nhất, phải nắm rõ và giải quyết mọi vấn đề của người dân."
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần tránh hai khuynh hướng khi sáp nhập cấp xã. Thứ nhất, nếu sáp nhập xã quá rộng, xã sẽ giống như "một huyện thu nhỏ", khiến chính quyền không thể quán xuyến và phục vụ hiệu quả. Thứ hai, nếu xã quá nhỏ, không gian phát triển sẽ bị hạn chế, đầu mối nhiều, bộ máy trở nên cồng kềnh, kém hiệu quả.
"Bộ máy cơ quan nhà nước không phải nơi trú chân an toàn. Một cá nhân có tư tưởng chủ nghĩa cá nhân không có chỗ đứng trong bộ máy này." - Tổng Bí thư khẳng định.
Về vấn đề tài sản công và trụ sở dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư cho biết nếu có phương án sử dụng phù hợp sẽ không gây lãng phí. Ông đề xuất ưu tiên chuyển đổi các trụ sở này thành trường học, cơ sở y tế, hoặc dùng phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Không thể lãng phí thời gian, không thể chậm trễ hơn"
Tổng Bí thư cũng đề cập đến một nội dung lớn được Trung ương bàn thảo: chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 14, trong đó có việc hoàn thiện các dự thảo văn kiện.
Theo ông, các dự thảo lần này sẽ có nhiều điểm mới như xác lập mô hình tăng trưởng mới, xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân hiện đại, coi kinh tế tư nhân là động lực cốt lõi của nền kinh tế quốc gia, đồng thời tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tổng Bí thư nhấn mạnh ba nhiệm vụ chiến lược quan trọng, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, để người dân được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và hạnh phúc.
Ông cũng nhắc đến hai mục tiêu lớn của đất nước vào năm 2030 và 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2045 là đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Tổng Bí thư kết luận: "Định nghĩa thu nhập cao là gì? Là người dân có thu nhập trung bình từ 20.000 đến 25.000 USD. Hiện nay, mức thu nhập của chúng ta chưa đạt 5.000 USD, tức là còn thiếu từ 15.000 đến 20.000 USD nữa. Vì vậy, chúng ta không thể chậm trễ và càng không thể lãng phí thời gian. Thế giới phát triển rất nhanh và không chờ đợi chúng ta. Nếu để khoảng cách quá lớn, Việt Nam sẽ bị tụt hậu."