Thứ bảy, 12/04/2025 16:59 (GMT+7)

Tổng Bí thư: Địa phương có thể đề xuất giảm đến 70% đơn vị hành chính cấp xã

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có thể linh hoạt, không cứng nhắc ở mức 50% như gợi ý của Bộ Chính trị. Các địa phương có thể đề xuất giảm đến 60-70% nếu thấy phù hợp và hiệu quả trong công tác quản lý, phục vụ dân.

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, diễn ra ngày 10/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu khai mạc, nhấn mạnh định hướng lớn trong việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy chính trị, đặc biệt là mô hình tổ chức ở cấp địa phương.

tm-img-alt
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tổng Bí thư cho biết, sau hơn 4 tháng triển khai, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc ở cấp Trung ương đã cơ bản hoàn tất. Những kết quả đạt được, thể hiện qua các số liệu cụ thể về giảm đầu mối, hiệu quả công việc và tiết kiệm chi phí, đã minh chứng rõ nét tính cách mạng trong công cuộc tinh gọn tổ chức này.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhận định rằng, khi xem xét một cách toàn diện, mô hình tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị hiện vẫn chưa thực sự hoàn thiện, đặc biệt là tại các địa phương.

Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư đưa ra một số định hướng trọng tâm. Trong đó, Bộ Chính trị gợi ý phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính theo hướng: cấp tỉnh còn lại 34 tỉnh, thành phố; không tổ chức cấp huyện và giảm khoảng 50% số lượng đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, định hướng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp, gắn với việc phân cấp, phân quyền rõ ràng, nhất là đối với cấp xã mới sau khi thực hiện sáp nhập.

Việc tổ chức cấp xã phải đạt mục tiêu “gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn”. Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng: “Bộ Chính trị gợi ý khoảng 50% chứ không phải ấn định 50%. Bố trí cấp xã như thế nào là hoàn toàn do cấp tỉnh xem xét đề xuất. Bộ Chính trị gợi ý giảm 50% còn Trung ương thảo luận và quyết định như thế nào là hợp lý nhất, tùy các địa phương dựa vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế có thể đưa ra con số dao động trong khoảng này.”

Ông cũng nêu rõ: “Chứ không phải Bộ Chính trị ấn định 50% thì các địa phương làm đúng theo con số này. Địa phương có thể giảm 60-70% nếu các đồng chí thấy quản lý được, đáp ứng được yêu cầu gần dân, sát dân. Điều này hoàn toàn do Trung ương thảo luận, quyết định và sẽ tổ chức thực hiện.”

Tổng Bí thư yêu cầu toàn bộ quá trình sắp xếp này phải được tiến hành đồng thời và đồng bộ, không để bất kỳ nội dung nào bị chậm trễ. Các ủy viên Trung ương cần đóng góp ý kiến cụ thể đối với phương án và lộ trình triển khai nhằm bảo đảm sự thống nhất, thông suốt và hiệu quả. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy không được ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống thường nhật của người dân và doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Việt Nam bắt đầu kỷ nguyên công nhận tài sản số
Theo Điều 46, tài sản mã hóa được định nghĩa là “tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số”.
Quốc hội chốt cả nước còn 34 tỉnh, thành phố
Sáng 12/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh giai đoạn 2025, giảm số lượng tỉnh, thành phố từ 63 xuống còn 34. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ thời điểm được thông qua.

Tin mới

Nghệ An có 130 xã, phường sau sắp xếp
Nghệ An sau khi sắp xếp có 119 xã, 11 phường, với xã Thông Thụ rộng nhất 706,75 km² và xã Đức Châu nhỏ nhất 20,97 km². Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16/6.
Người sáng lập và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam
Đến nay, những lời dạy của Người về báo chí vẫn là tài sản quý đối với nền báo chí cách mạng nước nhà. Người chỉ rõ: Công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự Nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”...
Ký ức vẹn nguyên sau mỗi chuyến đi
Có người từng hỏi tôi: “Đi nhiều, viết nhiều như thế, thứ gì khiến chị vẫn còn rung động?” Tôi chỉ mỉm cười. Bởi làm sao đong đếm hết những ánh mắt, những nụ cười, những câu chuyện tưởng như rất đỗi bình thường mà lại neo lại sâu trong tim?
Đề xuất giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động khu vực tư nhân xuống 44 giờ/tuần vào năm 2026 và 40 giờ/tuần vào năm 2030. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm ban hành chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.