Thứ tư, 16/04/2025 17:15 (GMT+7)

Tổng Bí thư: "Chúng ta phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi đất nước"

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh không có chỗ cho cán bộ lừng chừng, cơ hội, ngại đổi mới, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích đất nước. Ông đề nghị cả hệ thống chính trị cần quyết tâm cao nhất để thực hiện các nhiệm vụ trọng đại trong bối cảnh mới.

Sáng 16/4, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt, triển khai nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

tm-img-alt
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu sáng 16/4.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết nghị quyết Trung ương 11 tập trung vào hai nhiệm vụ chính: tinh gọn bộ máy và chuẩn bị cho Đại hội XIV. Trước khối lượng công việc lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn và yêu cầu chất lượng cao, ông đề nghị cả hệ thống chính trị phải xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhất để đạt được mục tiêu đề ra.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính là cuộc cách mạng nhằm đổi mới, phát triển đất nước. Ông yêu cầu các đơn vị triển khai công việc với tinh thần "đúng vai, thuộc bài", phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương để tránh tư tưởng cục bộ, bè phái. "Không được có tư tưởng quyền anh, quyền tôi, địa phương này, địa phương kia. Tất cả vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân", ông nhắc nhở.

Công việc, theo Tổng Bí thư, cần thực hiện với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, tránh chủ quan, nóng vội hay làm tắt.

Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và các quy định về sáp nhập tỉnh, xã trước 30/6. Các xã mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/7 với lộ trình chuyển tiếp, hoàn thành trước 15/8. Sáp nhập cấp tỉnh phải hoàn tất trước 1/9 và tổ chức đại hội Đảng cấp tỉnh trước 31/10. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV sẽ diễn ra vào quý I/2026, trong khi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp dự kiến tổ chức vào tháng 3/2026.

Ông khuyến khích các địa phương "ổn định sớm để phát triển", đồng thời nhấn mạnh rằng chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp xuất phát từ tầm nhìn chiến lược. Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc kỹ về nguyên tắc, tiêu chí, tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc sáp nhập sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, vì mỗi người Việt Nam đều gắn bó sâu sắc với quê hương. "Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức. Chúng ta phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước", Tổng Bí thư chia sẻ.

Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng việc sáp nhập không chỉ đơn thuần là điều chỉnh địa giới hành chính mà còn nhằm tái cấu trúc không gian kinh tế, phân cấp và phân bổ nguồn lực. Đây cũng là cơ hội để sàng lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. "Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ", ông khẳng định.

Ông lưu ý các địa phương cần tránh hai khuynh hướng khi sáp nhập xã, phường. Thứ nhất, không nên sáp nhập quá rộng, khiến xã phường mới giống như một cấp huyện thu nhỏ, gây khó khăn trong quản lý và phục vụ nhân dân. Thứ hai, không nên sáp nhập quá nhỏ, làm hạn chế không gian phát triển và dẫn đến bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương về cấp tỉnh, theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Các lĩnh vực cần ưu tiên phân cấp bao gồm quy hoạch, tài chính, ngân sách và đầu tư. Chính quyền cấp cơ sở sẽ tập trung vào phục vụ người dân, giải quyết các vấn đề của cộng đồng và cung cấp dịch vụ công thiết yếu.

Ông cũng nhấn mạnh việc trao quyền tự chủ lớn hơn cho chính quyền các đặc khu trên huyện đảo, giúp họ linh hoạt ứng phó với các tình huống đột xuất, bất ngờ nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Theo Tổng Bí thư, việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ tác động đến đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp tỉnh, huyện và xã. Trước mắt, các cán bộ, công chức, viên chức sẽ được bố trí theo hiện trạng để đảm bảo sự ổn định. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, các cơ quan sẽ rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm và xác định biên chế từng cấp trong tổng biên chế chung.

Ông yêu cầu công khai, minh bạch và khách quan trong việc bố trí cán bộ, đồng thời tăng cường kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ hay lợi ích nhóm. Việc lựa chọn người đứng đầu các cơ quan cần đảm bảo liên thông giữa các giai đoạn, từ đại hội Đảng cấp xã, tỉnh đến Đại hội XIV và bầu cử Quốc hội, HĐND.

"Như tôi đã nói, tiêu chí đầu tiên khi bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác", ông nhấn mạnh. Tổng Bí thư cũng khẳng định, những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nên tự rút lui để nhường chỗ cho người có năng lực, tâm huyết hơn. "Tự nguyện đứng về phía sau vì sự nghiệp phát triển là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng được khen ngợi", ông phát biểu.

Tổng Bí thư cho biết, dự thảo 4 văn kiện trình Đại hội XIV đã được Trung ương thông qua, trong đó bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Các văn kiện thể hiện quyết tâm đạt hai mục tiêu lớn: đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày các nội dung về dự thảo văn kiện, bao gồm xác lập mô hình tăng trưởng mới, xây dựng nền giáo dục hiện đại, đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân như động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều nhà máy, cảng biển đã vận hành hoàn toàn tự động bằng robot và trí tuệ nhân tạo. "Nếu chúng ta không đổi mới thì sẽ thua", ông nói, đồng thời kêu gọi các cơ quan phải chăm lo đào tạo thế hệ trẻ để Việt Nam có nguồn nhân lực trí tuệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.

Cùng chuyên mục

Cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương
Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã thống nhất phương án giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là bước đi chiến lược nhằm tổ chức lại bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả.

Tin mới