Chủ nhật, 18/05/2025 06:37 (GMT+7)

Tổng Bí thư: Thể chế cần gỡ nút thắt đấu thầu, giải ngân

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng việc sửa đổi Luật Đấu thầu và các luật liên quan là nhiệm vụ cấp bách nhằm khắc phục những hạn chế trong giải ngân đầu tư công và hợp tác công - tư, tránh lãng phí nguồn lực, thúc đẩy phát triển đất nước.

Chiều 17/5, tại phiên thảo luận ở Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn chỉ ra thực trạng kéo dài nhiều năm qua khi "có tiền mà không tiêu được hết, trong khi đất nước rất cần phát triển, phải đi vay nước ngoài".

tm-img-alt

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ về một số dự án luật, chiều 17/5. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Tổng Bí thư nêu vấn đề: Vì sao? Vì quy trình đấu thầu quá nhiêu khê. Mấy tháng chuẩn bị, mấy tháng mở thầu, chấm thầu, hết năm rồi, ngân sách không giải ngân được. Theo ông, đây là một trong những "tội" lớn nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, gây chậm tiến độ, ảnh hưởng chất lượng công trình, lãng phí nguồn lực cán bộ, trong khi mục tiêu tiết kiệm và hiệu quả lại không đạt được.

Theo Tổng Bí thư, muốn sửa Luật Đấu thầu thì phải tổng kết xem đấu thầu đã gây ra những gì. Người bệnh không tiếp cận được thuốc tốt, công nghệ y tế hiện đại bị cản trở vì đấu thầu. Máy móc, thuốc men phải mua ngoài, xách tay, tạo điều kiện cho buôn lậu, thuốc giả. Đây là "tội của quy định và tội trong thực thi".

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra sự bất cập trong đầu tư công và hợp tác công - tư. Mặc dù đều là tiền nhà nước hay địa phương, nhưng các bên lại không thể hợp tác hiệu quả. Các nhà đầu tư tư nhân muốn tham gia cũng gặp khó khăn vì lo ngại biến tài sản công thành tài sản tư. Thể chế hiện nay chưa tạo điều kiện cho các mô hình hợp tác đa dạng như BOT, BT, dẫn tới tình trạng "chết" chính sách, phải cấm rồi lại cho khôi phục.

Ông lấy ví dụ: "Những công ty xây dựng giỏi không cần đấu thầu vẫn đầy việc, nhưng lại phải cạnh tranh với những hợp tác xã không đủ năng lực. Doanh nghiệp tư nhân bị đối xử ghẻ lạnh, trong khi vốn đầu tư nước ngoài thì không sao cả". Vì vậy, ông nhấn mạnh rằng chính sách phải công bằng để khai thác được nguồn lực lớn từ dân và doanh nghiệp.

Để giải quyết những tồn tại trên, Tổng Bí thư kêu gọi cải cách thể chế một cách đồng bộ, toàn diện, với tư duy đổi mới và quyết tâm thực thi nghiêm minh. Ông đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành còn chồng chéo, mâu thuẫn và nhiều bất cập. Việc sửa một điều luật thường dẫn đến vướng mắc ở các luật liên quan khác, khiến việc giải quyết tổng thể trở nên rất khó khăn. Ông ví von: "Hệ thống luật pháp như một đội hình chạy mà chưa thẳng hàng, người nọ phải chờ người kia. Nếu chờ cho chỉnh tề mới chạy thì thiên hạ đã đi trước mình rất xa".

Tổng Bí thư nhấn mạnh phải chuyển đổi tư duy từ pháp luật quản lý sang pháp luật phục vụ và kiến tạo phát triển. Luật pháp không chỉ để kiểm soát mà phải mở đường, khuyến khích sáng tạo, phát huy nguồn lực từ người dân. Đồng thời, pháp luật cần có tính dự báo cao, định hướng cho xã hội trong tương lai. Việc thi hành luật pháp cũng phải nghiêm túc, công bằng và thực chất.

Ông thông tin thêm rằng Trung ương đang khẩn trương xây dựng các nghị quyết lớn về khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, thể chế, kinh tế tư nhân, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, Nghị quyết 66 được xem là định hướng quan trọng nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, khả thi, tạo môi trường ổn định cho sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế, đồng thời loại bỏ rào cản do luật chồng chéo.

"Luật pháp không phục vụ một vài nhóm mà phải phục vụ toàn dân. Phải bỏ được cơ chế xin - cho, xóa đặc quyền đặc lợi, phân cấp rõ ràng, ai làm luật gì thì đừng vì quyền lợi của chính mình. Cần phải làm từng bước, lựa chọn trọng tâm, và quan trọng là quyết tâm thực hiện", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Sáp nhập bộ máy thì dễ, chọn cán bộ mới khó
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định việc sáp nhập các đơn vị hành chính chỉ là bước đầu, thách thức lớn nhất nằm ở việc tổ chức lại bộ máy và bố trí cán bộ phù hợp.

Tin mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân'
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân". Tạp chí Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư.