Thủ tướng: Thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá"
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành trao đổi, bàn bạc với các doanh nghiệp để có cam kết triển khai công việc cụ thể, thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị, đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp nhân dịp đầu Xuân 2025.
Tại hội nghị, Thường trực Chính phủ không chỉ ghi nhận, khuyến khích những đóng góp của doanh nhân mà còn lắng nghe, chia sẻ, trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Thường trực Chính phủ cũng mong muốn doanh nghiệp góp ý về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính, giúp hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Phát biểu khai mạc, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng và thăm hỏi tới cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn 2021-2025 đối mặt nhiều thách thức như đại dịch COVID-19, xung đột toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng. Riêng năm 2024, bão Yagi và sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ảnh hưởng đến tình hình đất nước.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ quốc tế, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng.
Thủ tướng nhận định năm 2024, thế giới tiếp tục đối mặt với khó khăn do hậu quả của COVID-19, biến động chính trị, cạnh tranh chiến lược. Ngay từ đầu năm 2025, nhiều thách thức mới đã xuất hiện, đòi hỏi doanh nghiệp luôn chủ động thích ứng.
Thủ tướng khẳng định, sự phát triển của đất nước có sự đóng góp quan trọng từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp đã chung tay phòng chống dịch, khắc phục hậu quả, đồng hành cùng Chính phủ vượt qua khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".
Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 tăng trưởng GDP ít nhất 8% theo Kết luận 123 của Trung ương, tạo đà cho các năm tiếp theo đạt tăng trưởng hai con số. Để đạt được mục tiêu này, sự đóng góp của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, là rất quan trọng.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức gặp gỡ với các ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI để lắng nghe, giải quyết khó khăn về thể chế, chính sách, cơ chế. Đồng thời, các Bộ trưởng sẽ phải báo cáo hàng tháng về những vướng mắc thể chế cần tháo gỡ, bao gồm miễn thuế trước bạ cho doanh nghiệp ô tô, miễn thuế VAT, miễn giảm tiền thuê đất, giải quyết thủ tục quy hoạch, đất đai.
Thủ tướng đặt vấn đề về các giải pháp giúp tăng trưởng hai con số, trong đó nhấn mạnh sự đồng bộ giữa địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước, khả năng ứng phó với các kịch bản khó khăn.

Chính phủ đang triển khai nhiều dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ba tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, khai thác không gian ngầm, không gian biển, vũ trụ, thúc đẩy tăng trưởng GDP và tinh gọn bộ máy quản lý hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp tư nhân, đề nghị doanh nghiệp chủ động tham gia vào các dự án lớn của đất nước, đề xuất cơ chế phù hợp, đảm bảo minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.