Chủ nhật, 18/05/2025 19:42 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu

Để triển khai Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho biết mới đây đã chỉ đạo và Bộ Nội vụ sẽ phát động phong trào "toàn dân thi đua làm giàu".

Sáng nay, Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt, triển khai Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu tại ban, bộ, ngành, đơn vị Trung ương, các đảng ủy trực thuộc Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy và cấp huyện, xã trên toàn quốc.

tm-img-alt
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh Vietnamnet)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề trọng tâm của Nghị quyết 68, nhấn mạnh vai trò quan trọng của KTTN trong nền kinh tế.

Thủ tướng cho biết, KTTN ngày càng khẳng định vị thế là một động lực lớn, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và bảo đảm an sinh xã hội. KTTN còn tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy hội nhập quốc tế cũng như góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp KTTN đã tăng mạnh, với gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực. KTTN duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp khoảng 50% GDP, với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang vươn tầm khu vực và quốc tế.

Tinh thần khởi nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ sau khi Nghị quyết 68 được ban hành. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, thể hiện tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, nhấn mạnh việc cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vai trò của KTTN. Ông khẳng định KTTN phải được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, đồng thời ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn dẫn dắt những ngành, lĩnh vực trọng yếu, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu quốc tế. Ông dẫn chứng: "Một cái áo sản xuất như nhau với nguyên liệu đó, nhưng nếu mang thương hiệu khác nhau thì giá trị có thể chênh nhau hàng chục lần, 'May 10 khác, Nike khác, Adidas khác'."

Đột phá để phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68 đề ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá để phát triển KTTN, xem đây là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Việc phát triển KTTN một cách nhanh, bền vững, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Thủ tướng nhấn mạnh cần xóa bỏ tư tưởng, quan niệm định kiến về KTTN, đồng thời coi doanh nhân là "những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế", với tinh thần "thương trường là chiến trường".

Môi trường kinh doanh cần được cải thiện, tạo sự thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp và đóng góp cho đất nước.

Để triển khai Nghị quyết, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phát động phong trào "toàn dân thi đua làm giàu", đồng thời tăng cường vai trò kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và tôn vinh đội ngũ doanh nhân.

Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm cải cách mạnh mẽ thể chế, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng cũng nhắc đến việc bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và quyền tài sản của KTTN. Ông khẳng định: "Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước."

Bên cạnh đó, ông yêu cầu không hồi tố các quy định pháp luật gây bất lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong điều tra, xét xử.

Thủ tướng cũng đề nghị tạo điều kiện để KTTN tiếp cận đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao. Ông gợi ý triển khai chương trình đào tạo 10.000 giám đốc điều hành, thúc đẩy giáo dục sáng tạo, STEM, ngoại ngữ và kỹ năng số ở các bậc học.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yếu tố cần được đẩy mạnh để giúp KTTN kinh doanh hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, cần cải thiện kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Thủ tướng cho rằng việc này vẫn chưa đạt hiệu quả cao, cần có thêm giải pháp kiến tạo.

Ông kỳ vọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phát triển thành doanh nghiệp lớn, trong khi các doanh nghiệp lớn vươn tầm khu vực và toàn cầu. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Cam kết hành động cụ thể

Thủ tướng nhấn mạnh phương châm "quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt" trong triển khai Nghị quyết 68. Việc phân công nhiệm vụ phải đảm bảo cụ thể, rõ ràng theo tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".

Tại hội nghị, Thủ tướng đã giải đáp những kiến nghị của doanh nhân về các giải pháp tiếp cận thể chế, chính sách.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco, chia sẻ: "Doanh nghiệp có Nghị quyết 68 như nắng hạn gặp mưa rào. Nhiều lúc bị bó tay bó chân, nhưng nay đã được Bộ Chính trị và Tổng Bí thư giải phóng điều này."

Ông đề xuất giao một cơ quan độc lập giám sát, đánh giá năng lực cạnh tranh và thực thi của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tiếp nhận kiến nghị doanh nghiệp để gửi lên Tổng Bí thư và Thủ tướng.

Thủ tướng khẳng định, chủ trương đã rõ ràng, việc tổ chức thực hiện sẽ được rà soát cụ thể. Ông mong muốn cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng quyết tâm, cam kết thực hiện để đạt kết quả rõ ràng.

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng đặt câu hỏi về lộ trình số hóa để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giải quyết các vấn đề pháp lý.

Thủ tướng cho biết, Bộ Tư pháp đã được giao nhiệm vụ xây dựng cổng pháp lý số. Đây sẽ là nền tảng để doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ dàng hơn, giảm chi phí và đóng góp vào xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế.

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư: Thể chế cần gỡ nút thắt đấu thầu, giải ngân
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng việc sửa đổi Luật Đấu thầu và các luật liên quan là nhiệm vụ cấp bách nhằm khắc phục những hạn chế trong giải ngân đầu tư công và hợp tác công - tư, tránh lãng phí nguồn lực, thúc đẩy phát triển đất nước.
Sáp nhập bộ máy thì dễ, chọn cán bộ mới khó
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định việc sáp nhập các đơn vị hành chính chỉ là bước đầu, thách thức lớn nhất nằm ở việc tổ chức lại bộ máy và bố trí cán bộ phù hợp.

Tin mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân'
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân". Tạp chí Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư.