Thứ tư, 13/11/2024 09:58 (GMT+7)

Cần xây dựng các quy định pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải công bố báo cáo ESG

Ở nhiều quốc gia, việc lập và công bố báo cáo ESG đã dần trở thành bắt buộc tại các doanh nghiệp quy mô lớn hoặc doanh nghiệp công ích.

tm-img-alt

ESG là một báo cáo trên phạm vi rộng giải quyết các khía cạnh (trụ cột) khác nhau bao gồm: Môi trường, xã hội và quản trị.

Khía cạnh Môi trường - E - đề cập đến khí thải, ô nhiễm, quản lý vật liệu hoặc tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải và biến đổi khí hậu.

Khía cạnh xã hội - S - đề cập đến nhiều vấn đề như quyền con người, sự đa dạng của nguồn nhân lực và các chính sách liên quan đến lực lượng lao động, chẳng hạn như tuyển dụng, đào tạo, an toàn và sức khỏe của nhân viên.

Khía cạnh Quản trị - G - bao gồm nhiều vấn đề như cơ cấu quản trị, trách nhiệm của hội đồng quản trị gắn liền với kỳ vọng của cổ đông, chế độ đãi ngộ, tính toàn vẹn và đạo đức, trách nhiệm giám sát của hội đồng quản trị, minh bạch thông tin, biện pháp xử lý tham nhũng, hối lộ và các vấn đề về thuế.

ESG có khả năng tạo ra giá trị bền vững nên gắn liền với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn. Quản lý hiệu quả các rủi ro liên quan đến các vấn đề ESG sẽ mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho tổ chức, bao gồm:

Thứ nhất, tối ưu hóa tài sản và các khoản đầu tư thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện khả năng sinh lời, ngăn ngừa rủi ro giảm giá trị tài sản, mất tài sản hoặc sử dụng tài sản không hiệu quả;

Thứ hai, giảm thiểu rủi ro pháp lý bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu pháp lý, xây dựng và nâng cao uy tín của doanh nghiệp;

Thứ ba, giảm chi phí hoạt động thông qua nhận thức, cam kết và hành động thiết thực của doanh nghiệp để tiết kiệm tài nguyên như nước, năng lượng;

Thứ tư, tăng năng suất thông qua việc đảm bảo trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội, trong đó có nhân viên, từ đó thúc đẩy sự hài lòng của họ với tổ chức và khiến cho họ đóng góp tích cực hơn;

Thứ năm, đóng góp tốt cho sự tăng trưởng thông qua việc tạo ra các mối quan hệ hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp với các bên liên quan, từ đó doanh nghiệp có thế tiếp cận tốt hơn các nguồn lực của cộng đồng phục vụ cho sự tăng trưởng;

Với tầm quan trọng như vậy, các bên liên quan ngày càng quan tâm đến báo cáo ESG.

Việc xây dựng các quy định pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải công bố báo cáo ESG là một trong những lý do quan trọng để xác lập vai trò của kiểm toán độc lập đối với báo cáo này.

Thực tiễn ở Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên cho thấy đã có những quy định bắt buộc yêu cầu các doanh nghiệp quy mô lớn hoặc vì lợi ích công cộng phải tích hợp thông tin ESG vào các báo cáo quản lý.

Tại Châu Âu, Luật 11/2018 quy định doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên phải nộp báo cáo về thông tin phi tài chính. Năm 2021, tiêu chuẩn này được áp dụng cho các doanh nghiệp có từ 250 lao động trở lên.

Ở mỗi nước thành viên của EU cũng có các quy định pháp lý riêng. Đơn cử, tại Tây Ban Nha, ngày 18/2/2021, CNMV (Comision Nacional del Mercado de Valores) đã ban hành quy định 2019/2088, yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính phải lập và nộp báo cáo phát triển bền vững. Đối tượng của quy định này là các công ty quản lý quỹ và tài sản, quỹ đầu tư mạo hiểm và các tổ chức tư vấn tài chính. Họ phải chuẩn bị một báo cáo bền vững theo quy định 2019/2088 của Hội đồng và Nghị viện Châu Âu (quy định này được ban hành vào ngày 27/11/2019).

Các quy định tương tự cũng có thể thấy tại nhiều quốc gia khác ngoài EU. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, vào tháng 5 năm 2022, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã đề xuất sửa đổi các quy định và biểu mẫu báo cáo hiện hành để thúc đẩy công bố thông tin nhất quán, đáng tin cậy và có thể so sánh được cho các nhà đầu tư, trong đó thông tin kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cho các chiến lược và quỹ đầu tư.

Tại Trung Quốc, vào tháng 9 năm 2018, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã ban hành khung công bố ESG cho các công ty niêm yết. CSRC đã quy định chuẩn công bố thông tin ESG cho các doanh nghiệp niêm yết với mục đích cải thiện việc so sánh thông tin giữa các doanh nghiệp.

Hiệp hội quản lý tài sản Trung Quốc AMAC cũng có kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo ESG để tăng cường tính bền vững và quản trị tài chính tại các doanh nghiệp này.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), việc công bố báo cáo ESG bắt buộc của các doanh nghiệp niêm yết từ tháng 12/2019.

Tại Singapore, Ủy ban Chứng khoán Singapore (SGX) đã ban hành Hướng dẫn Báo cáo Bền vững vào năm 2016, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp niêm yết phải tuân thủ việc công bố báo cáo bền vững.

Tại Malaysia, Ủy ban Chứng khoán Malaysia đã công bố Lộ trình đầu tư bền vững và có trách nhiệm vào năm 2019, với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái đầu tư bền vững và có trách nhiệm và xác định vai trò của thị trường vốn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Bursa Malaysia cũng đã ban hành một quy định bằng văn bản và yêu cầu việc công bố các báo cáo ESG là một quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp niêm yết.

Nguy cơ gian lận trong báo cáo ESG là một trong những nguyên nhân cơ bản gia tăng tầm quan trọng của các đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo đối với báo cáo ESG. Hiệp hội các giám định viên gian lận được chứng nhận - ACFE (2022) đã cảnh báo: "Áp lực áp dụng các nguyên tắc ESG đang tạo ra một môi trường chín muồi cho gian lận".

AFCE đã hợp tác với Grant Thorton để ban hành hướng dẫn cho các tổ chức quản lý rủi ro gian lận trong báo cáo ESG vào tháng 6/2022. Họ xác định rằng cả ba yếu tố của mô hình tam giác gian lận đều có thể dễ dàng xác định trong báo cáo ESG. Với nguy cơ gian lận cao, họ lập luận, báo cáo ESG nên được quy định chặt chẽ như báo cáo tài chính.

Hướng dẫn nêu bật các xu hướng làm tăng nguy cơ gian lận ESG, chẳng hạn như việc áp dụng chính sách bồi thường carbon là có nhiều khả năng bị gian lận nhất. Hai tổ chức lập luận rằng khi một tổ chức ngày càng trở nên có trách nhiệm hơn đối với các vấn đề ESG, nhiều áp lực phát sinh hơn, dẫn đến nguy cơ gian lận.

Hơn nữa, nếu tiền thưởng của các nhà quản lý được xác định dựa trên các chỉ số ESG, nhân viên thường sẽ cảm thấy áp lực phải báo cáo các sự cố an toàn ESG thấp hơn so với thực tế. Trong khi phần lớn các nhà đầu tư lạc quan về các doanh nghiệp có chỉ số ESG tốt, những người khác lo ngại về những nguy cơ phát sinh từ những hậu quả không mong muốn liên quan đến gian lận trong việc chuẩn bị và trình bày các báo cáo ESG.

Với dịch vụ đảm bảo, các kiểm toán viên và công ty kiểm toán độc lập có thể cung cấp sự đảm bảo hợp lý về tính chính xác, minh bạch và toàn vẹn của các báo cáo ESG. Kiểm toán độc lập có thể đảm bảo rằng kết quả/thành phần của báo cáo ESG của doanh nghiệp là đúng và công bằng, không phóng đại hoặc đẹp hơn thực tế. Cụ thể, kiểm toán độc lập có thể thực hiện các nội dung sau:

Đánh giá tính phù hợp, chính xác, kịp thời, thống nhất của thông tin (bao gồm cả định tính và định lượng) trong báo cáo ESG: Nội dung này đặc biệt quan trọng khi các tổ chức cần đảm bảo tuân thủ các quy định bắt buộc về ESG và tăng cường giám sát từ các cơ quan liên quan đến ESG.

Đánh giá tính nhất quán giữa báo cáo ESG và báo cáo tài chính được công bố chính thức và công khai (ví dụ: báo cáo tài chính, báo cáo thường niên): Về bản chất, báo cáo ESG thường công bố thông tin phi tài chính. Tuy nhiên, nếu thông tin này không phù hợp với hệ thống báo cáo tài chính công khai của công ty sẽ tạo ra những tác động tiêu cực làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư và cơ quan quản lý.

Ngày nay, vấn đề bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, phúc lợi xã hội, minh bạch trong quản trị,.. là xu hướng tất yếu. Chúng tác động đến nhận thức và thái độ của chính phủ, doanh nghiệp, các bên liên quan và thay đổi các ưu tiên trong nền kinh tế.

Lợi ích của doanh nghiệp không chỉ gắn liền với chiến lược kinh doanh và mục tiêu tài chính mà còn phải phản ánh trách nhiệm của họ đối với môi trường, xã hội và quản trị. Cách tiếp cận toàn diện này sẽ đóng góp vào giá trị lâu dài và bền vững của doanh nghiệp, và sau đó là lợi ích bền vững của toàn xã hội.

Thông qua báo cáo ESG, doanh nghiệp có thể lồng ghép các vấn đề về chiến lược, trách nhiệm và đạo đức kinh doanh, cam kết và nỗ lực chuyển hóa thành hành động. Báo cáo ESG là một công cụ hiệu quả để truyền tải những nỗ lực và cam kết của doanh nghiệp đến các bên liên quan trong việc thực hiện hiệu quả chiến lược kinh doanh, quản trị rủi ro và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lợi dụng các lợi thế của việc công bố báo cáo ESG để cung cấp thông tin không trung thực sẽ gây ra tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của xã hội.

Trong bối cảnh đó, kiểm toán độc lập không thể đứng ngoài xu hướng kiểm toán báo cáo ESG. Kiểm toán độc lập có thể góp phần tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp và các bên liên quan, cùng toàn thể xã hội bằng cách thực hiện vai trò đảm bảo một cách có hiệu quả trong hành trình ESG của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nam Định: Kiểm tra việc thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận của lực lượng vũ trang
Chiều ngày 19/11, Đoàn kiểm tra của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Công an và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nam Định để kiểm tra việc thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận của lực lượng vũ trang tỉnh năm 2024.