Thứ ba, 26/11/2024 12:43 (GMT+7)

Khung xử lý khi say xỉn lái xe ô tô xúc phạm, hành lung lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ?

Hành vi chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ không chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bạn đọc Nguyễn Văn Định (Bắc Sơn, Sóc Sơn) hỏi:  Thời gian gần đây, số vụ chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng, ngày càng phức tạp và mức độ ngày càng nguy hiểm, đặc biệt là sự chống đối với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT). Điều này thể hiện sự manh động, côn đồ và sự coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm. Vậy cho tôi hỏi khung xử lý khi say xỉn lái xe ô tô xúc phạm, hành lung lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ?
Về vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam (phobienphapluat.vn), Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật cho biết: Hiện nay, tình trạng lái xe khi say rượu là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc dư luận xã hội và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tham gia giao thông với hậu quả khó có thể lường trước được. Nhà nước đã đề ra chính sách, chế tài xử lý đối với những trường hợp này nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Một số đối tượng không chịu hợp tác thậm chí còn xúc phạm, hành hung lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ.
Theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Cùng với đó, căn cứ tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019 thì pháp luật nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Như vậy, giả sử cơ quan chức năng xác định tài xế ô tô có hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tham gia giao thông khác thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà tài xế có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Về xử lý vi phạm hành chính: Theo điểm c khoản 6, điểm c khoản 8, điểm a khoản 10 và các điểm e, g, h khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ thấp nhất là 10 tháng đến cao nhất là 24 tháng.
Đồng thời, căn cứ tại điểm a khoản 3, điểm c khoản 14 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, về vi phạm quy định về trật tự công cộng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai, trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.
tm-img-alt
Hành vi chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ không chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hình sự: Nếu hành vi lái xe ô tô trong tình trạng say xỉn và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tham gia giao thông khác mà có đủ yếu tổ cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý theo Điều 155 và Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể: Theo Điều 155 của Bộ luật này quy định về tội làm nhục người khác, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo đến cao nhất là 5 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo Điều 260 của Bộ luật này quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Cùng chuyên mục

Công an Hà Tĩnh điều tra vụ nữ sinh tử vong sau vụ ẩu đả
Ngày 3/12, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang tạm giữ một nhóm đối tượng liên quan đến vụ nữ sinh 15 tuổi tử vong bên vệ đường, trên người có nhiều vết thương. Vụ việc đang được điều tra để làm rõ nguyên nhân và xử lý theo pháp luật.

Tin mới

Năm 2025, Tô Lịch sẽ là dòng sông xanh, sạch
Sáng 2/12, tại buổi kiểm tra tiến độ Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và giải pháp làm sạch sông Tô Lịch, Bí thư Thành uỷ Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh quyết tâm cải thiện môi trường nội đô Hà Nội.