Dự kiến còn 290.000 biên chế cấp tỉnh, xã sau sáp nhập hành chính
Sau khi hoàn tất việc sáp nhập các đơn vị hành chính, cả nước dự kiến sẽ còn khoảng 91.784 biên chế cấp tỉnh và 199.000 biên chế cấp xã, với số lượng cán bộ, công chức, viên chức giảm đáng kể so với hiện tại.
Sáng 9/5, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp đã công bố số liệu liên quan đến kế hoạch tinh gọn bộ máy. Theo đó, biên chế cấp tỉnh dự kiến giảm 18.449 người, trong khi cấp xã giảm tới 110.000 người. Hơn 120.000 người không chuyên trách cấp xã trên toàn quốc cũng sẽ chấm dứt nhiệm vụ sau sáp nhập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 9/5. Ảnh: Nhật Bắc
Việc lấy ý kiến nhân dân đã được hoàn tất tại tất cả các địa phương, với tỷ lệ đồng thuận trung bình gần 96%. Các đề án sáp nhập cũng được Hội đồng nhân dân các cấp thông qua với tỷ lệ thống nhất gần như tuyệt đối, đạt 100%.
Đến ngày 8/5, hồ sơ và đề án sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố đã được hoàn thiện, sẵn sàng trình Chính phủ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Sau khi sáp nhập, cả nước sẽ giảm xuống còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã cũng sẽ giảm mạnh, từ hơn 10.000 xuống còn 3.321, tức giảm 6.714 xã, phường.
Cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét và thông qua. Khi Quốc hội phê duyệt, các địa phương sẽ triển khai thực hiện ngay lập tức.
Ông giao nhiệm vụ cho 26 tổ công tác của các thành viên Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn và xử lý kịp thời những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Bộ Tài chính được giao trách nhiệm bố trí đầy đủ kinh phí để chi trả cho các trường hợp dôi dư theo chế độ, cũng như hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp tài sản và cơ sở vật chất trong quá trình sáp nhập.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công nhằm bảo đảm cung cấp các thủ tục hành chính mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tránh gây gián đoạn trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp sau sáp nhập.
Ngoài nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương vẫn phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và những mục tiêu lớn khác. Ông yêu cầu cả nước phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 8% vào năm 2025, giải quyết các vướng mắc tại hơn 2.200 dự án với tổng vốn gần 6 triệu tỷ đồng và hơn 300.000 ha đất đang trong tình trạng ách tắc.
Thủ tướng cũng lưu ý cần thực hiện tốt "bộ tứ chiến lược", bao gồm Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.