Thứ ba, 25/03/2025 08:53 (GMT+7)

Xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm

Hôm nay (25/3), Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm để xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 đồng phạm trong vụ án thao túng chứng khoán và lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, do ông Võ Hồng Sơn làm chủ tọa, dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài nhiều ngày liên tiếp. Trong vụ án này, có 135 bị hại đã làm đơn kháng cáo và được triệu tập tới tham dự phiên phúc thẩm. Ngoài ra, 387 người khác cũng được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

tm-img-alt
Bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và yêu cầu tòa xem xét lại trách nhiệm bồi thường dân sự.

Hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga cũng gửi đơn kháng cáo, đề nghị giảm nhẹ hình phạt. Đồng thời, TAND TP Hà Nội đã nhận được kháng cáo của nhiều bị cáo khác với các yêu cầu như xin giảm nhẹ án phạt, xin hưởng án treo, hoặc đề nghị gỡ bỏ lệnh phong tỏa tài sản.

Trước đó, vào ngày 26/12/2024, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội từng mở phiên phúc thẩm đối với ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn do vắng mặt ông Quyết, một số luật sư bào chữa, cùng nhiều bị hại trong vụ án.

Theo bản án sơ thẩm vào tháng 8/2024, ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bị xác định có hành vi lừa đảo trong việc phát hành cổ phiếu ROS và thao túng 5 mã chứng khoán thuộc "họ FLC". Tòa sơ thẩm đã tuyên ông Quyết mức án tổng hợp 21 năm tù, trong đó có 18 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 3 năm tù về tội "thao túng thị trường chứng khoán".

Cùng liên quan đến vụ án này, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên án tổng cộng 14 năm tù, còn Trịnh Thị Thúy Nga nhận mức án 8 năm tù, đều về hai tội danh trên.

Về trách nhiệm dân sự, cựu Chủ tịch FLC bị buộc bồi thường hơn 1.300 tỷ đồng cho các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS và phải nộp lại 500 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi thao túng chứng khoán. Tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Hoàn thành định danh điện tử với doanh nghiệp trước 1/7/2025
Ứng dụng VNeID thuộc Bộ Công an đang được sử dụng rộng rãi để lưu trữ thông tin, giảm giấy tờ, bảo mật dữ liệu và tiết kiệm thời gian. Theo Nghị định 69/2024/NĐ-CP, định danh điện tử là yêu cầu thiết yếu cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gian lận như thế nào sẽ bị cấm thầu
Ngày 22/1/2025, UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng ) đã ban hành quyết định số 257/QĐ-UBND về việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với Tổng công ty cổ phần công trình Viettel (Tên viết tắt là Viettel Contruction).

Tin mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, báo cáo các dự án đầu tư công gặp vướng mắc trước 10/4
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 26/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, cập nhật báo cáo các dự án đầu tư công gặp khó khăn, vướng mắc hoặc tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia