Tăng 100% lương cho cán bộ xây dựng chính sách phải đi đôi với trách nhiệm
Quyết định tăng 100% phụ cấp lương cho cán bộ làm chính sách nhận được nhiều sự đồng tình, song các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, quyền lợi cần gắn liền với trách nhiệm, bao gồm cả hành chính và trách nhiệm hình sự nếu xảy ra sai phạm.
Sáng nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Theo dự thảo, những người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách và xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị sẽ được hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp). Dự thảo cũng xác định các nhóm đối tượng cụ thể được hưởng chính sách này.
Phải xử hình sự nếu xảy ra tham nhũng chính sách
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) bày tỏ lo ngại về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, cho rằng nhiều văn bản gây cản trở người dân, doanh nghiệp và xã hội, đồng thời tạo ra ách tắc trong thực thi. Ông nhận xét, hiện chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp này, dù Luật Cán bộ, công chức, viên chức đã có quy định nhưng chưa thực sự hiệu quả.

"Quyền đi cùng với trách nhiệm, rất mừng là Trung ương đã quyết định tăng 100% mức phụ cấp lương cho đội ngũ này nhưng phải gắn với trách nhiệm về hành chính và đôi khi trách nhiệm cả về mặt hình sự. Chúng ta đã có quy định nếu có những biểu hiện về tham nhũng chính sách thì rõ ràng là phải xử lý trách nhiệm hình sự", ông Thành phân tích.
Đại biểu này cũng đề nghị bổ sung các quy định cụ thể để xác định trách nhiệm của những cá nhân tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông, khi quản lý tốt kết quả đầu ra, các khâu đầu vào sẽ được cải thiện, buộc người có trách nhiệm phải chọn lựa cán bộ có đủ năng lực, tránh để xảy ra tình trạng can thiệp mang tính cá nhân.
Đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị bổ sung hai nhóm đối tượng được hỗ trợ, gồm: đại biểu hoạt động chuyên trách và công chức chuyên trách HĐND tỉnh thuộc Ban Pháp chế, Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa và Xã hội; Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng phụ trách công tác Quốc hội và công chức Phòng Công tác Quốc hội.

Bà lý giải, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Trong đó, Văn phòng có nhiệm vụ tham mưu, phục vụ hoạt động của đoàn ĐBQH, bao gồm cả công tác xây dựng pháp luật.
Tuy nhiên, theo bà, số lượng biên chế tại các đoàn ĐBQH ở các tỉnh thành đã giảm khoảng 50% sau quyết định điều động công chức và lao động hợp đồng của Văn phòng Quốc hội. Điều này khiến khối lượng công việc của các cán bộ tăng lên đáng kể, trong khi kinh phí hoạt động và phụ cấp chỉ được cấp cho đại biểu Quốc hội chuyên trách.
"Hằng năm, Văn phòng Quốc hội chỉ cấp kinh phí hoạt động và phụ cấp cho ĐBQH chuyên trách và ĐBQH trong đoàn. Trong khi công chức trực tiếp và thường xuyên tham mưu các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng pháp luật thì không được cấp", bà Vang nhấn mạnh.
Cần thu hút nhân tài nhưng tránh “giấy phép con”
Dự thảo nghị quyết cũng quy định ưu tiên xét tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và có chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật, cũng như chuyên gia pháp luật, vào các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) đồng tình với việc thu hút nhân tài vào lĩnh vực xây dựng pháp luật, nhưng bày tỏ băn khoăn về yêu cầu chứng chỉ đào tạo chuyên sâu. Theo ông, điều này có thể trở thành một dạng "giấy phép con" không cần thiết, vì Luật Cán bộ, công chức đã quy định rõ quy trình tuyển dụng.
Ông đặt câu hỏi: "Liệu có cần thiết phải có chứng chỉ hay không, khi người được tuyển dụng đã là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc? Trong thực tế, năng lực sẽ được đào tạo và hoàn thiện thông qua quá trình làm việc thực tiễn".
Ông cũng cảnh báo về những lỗ hổng có thể phát sinh nếu quy định này được ban hành. Ví dụ, một cá nhân không có chứng chỉ vẫn có thể xin vào làm tại các cơ quan không chuyên về pháp luật, sau đó được điều chuyển sang vị trí khác mà không cần đáp ứng yêu cầu này.
Về nhóm chuyên gia, đại biểu Đức cho rằng cần làm rõ tiêu chí để xác định, tránh tình trạng lạm dụng chính sách ưu đãi. "Không cẩn thận sau này trở thành điểm hở trong quá trình tuyển dụng vào làm luật, được hưởng chính sách ưu đãi của nghị quyết này", ông cảnh báo.