Sáp nhập bộ máy thì dễ, chọn cán bộ mới khó
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định việc sáp nhập các đơn vị hành chính chỉ là bước đầu, thách thức lớn nhất nằm ở việc tổ chức lại bộ máy và bố trí cán bộ phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, vấn đề quan trọng sau sáp nhập các đơn vị hành chính là chọn lựa và bố trí nhân sự. "Bây giờ chọn ai làm Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch UBND, HĐND cấp xã? Không phải cán bộ nào cũng đủ năng lực đảm nhận nhiệm vụ mới sau sáp nhập", ông phát biểu trong phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, chiều 7/5.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 7/5. Ảnh: Hoàng Phong
Ông đưa ra ví dụ, nếu sáp nhập ba tỉnh, số giám đốc sở như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Tài nguyên Môi trường sẽ lên tới sáu người, nhưng sau sáp nhập chỉ có thể chọn một người giữ chức lãnh đạo. Các phó giám đốc có thể giữ nguyên trong 5 năm, nhưng đội ngũ cán bộ cấp dưới sẽ cần được điều động về các cơ sở xã để đáp ứng yêu cầu công việc.
"Việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập đơn vị hành chính rất phức tạp, nên cuối tuần nào Bộ Chính trị cũng phải họp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn", ông Mẫn chia sẻ.
Theo ông, mục tiêu tinh gọn bộ máy không chỉ để nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước. Ông nhấn mạnh, nhờ kết quả bước đầu của chủ trương này, Bộ Chính trị đã quyết định miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến phổ thông, với tổng kinh phí 30.000 tỷ đồng. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ đạo nghiên cứu chính sách khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người dân, dự kiến cần khoảng 25.000 tỷ đồng.
"Tinh gọn bộ máy thì mới có điều kiện lo cho an sinh xã hội. Có những nước thu nhập thấp hơn Việt Nam nhưng họ vẫn đảm bảo học phí, viện phí, nhà ở cho người dân", ông nói thêm.
Đề xuất hình thành cụm đô thị khi bỏ mô hình thành phố thuộc tỉnh
Tại tổ TP HCM, GS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần xác định rõ khái niệm "đô thị" trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời đề xuất cơ chế liên kết các phường để hình thành cụm đô thị.
Ông phân tích, nhiều đô thị ở Việt Nam như thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã phát triển từ nông thôn lên thị trấn, thị xã rồi thành phố. Đây là mô hình phổ biến trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, với đề xuất tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, cấp huyện bị xóa bỏ, đồng nghĩa với việc các thị xã, thành phố thuộc tỉnh sẽ không còn tồn tại. Khi đó, cả nước chỉ còn 6 đô thị lớn trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ.
"Vậy các yếu tố đô thị còn lại trong lòng các tỉnh sẽ được hiểu như thế nào? Nếu chỉ xem đó là các phường riêng lẻ thì không hợp lý", ông Nhân đặt vấn đề. Ông cho rằng các đô thị lớn như Vinh, Thủ Đức, Cần Thơ dù được chia thành nhiều phường vẫn là một thể thống nhất, có liên kết về kinh tế, hạ tầng, văn hóa, dịch vụ. Vì vậy, khi không còn mô hình thành phố thuộc tỉnh, cần cơ chế liên kết các phường thành cụm đô thị để đảm bảo phát triển đồng bộ, có sức lan tỏa kinh tế xã hội.
Dự thảo luật quy định khi một vấn đề liên quan đến hai phường thì cấp tỉnh sẽ chỉ đạo. Tuy nhiên, GS Nhân cho rằng quy định này chưa đủ. "Thành phố Thủ Đức có hàng chục phường, nếu không có cơ chế quản lý thống nhất thì sẽ rất khó điều phối hiệu quả", ông nói. Ông đề xuất xây dựng cụm đô thị như một "quả đấm kinh tế", tương tự vai trò của các thành phố thuộc tỉnh trước đây, để tạo động lực phát triển cho toàn tỉnh.
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Bùi Huyền Mai (Bí thư Quận ủy Thanh Xuân) đề nghị bổ sung các quy định mở rộng thẩm quyền cho UBND tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP HCM. Bà cũng cho rằng cần trao quyền chủ động cho cấp tỉnh trong việc tổ chức lại cơ quan chuyên môn để phù hợp với đặc thù quản lý của các đô thị lớn. Ví dụ, với dân số đông đúc và khối lượng công việc lớn, Hà Nội cần được linh hoạt hơn trong bố trí cán bộ, công chức.
Trong khi đó, tại tổ Điện Biên, đại biểu Tạ Thị Yên (Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu) đề xuất làm rõ quy định về "trường hợp cần thiết" khi UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành công việc ở cấp xã. "Phải xác định cụ thể để tránh lạm quyền, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với nguyên tắc cấp nào làm, cấp đó chịu trách nhiệm", bà nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Yên cũng đề nghị tính toán lại số lượng đại biểu HĐND cấp xã theo dân số để đảm bảo công bằng giữa các đơn vị hành chính đã sắp xếp và chưa sắp xếp.