Thứ hai, 16/06/2025 12:55 (GMT+7)

Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa Hiến pháp, chuyển sang chính quyền hai cấp

Sáng 16/6, với 470/470 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, chính thức bỏ cấp huyện, chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Theo Điều 110 Hiến pháp sửa đổi, đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành hai cấp: tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố do luật định. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội thành lập.

tm-img-alt

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Hoàng Phong

Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và thực hiện theo trình tự, thủ tục do Quốc hội quy định. Chính quyền địa phương bao gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND), được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tổ chức chính quyền địa phương sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập.

Khi cấp huyện bị xóa bỏ, các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp sẽ không tổ chức bầu các chức danh như chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; trưởng các ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên UBND; trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội. Thay vào đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ định các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, trưởng đoàn và phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chỉ định ủy viên UBND cùng cấp, đồng thời chỉ định lãnh đạo HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính cấp dưới. Tại các đơn vị hành chính dưới tỉnh, Thường trực HĐND sẽ chỉ định ủy viên UBND cùng cấp. Trong trường hợp đặc biệt, nhân sự không phải là đại biểu HĐND cũng có thể được chỉ định giữ các chức danh lãnh đạo HĐND và UBND tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Hiến pháp sửa đổi cũng quy định vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Các tổ chức này trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên, hội viên; hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: "Ngày 6/5, dự thảo Nghị quyết đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp, với 280 triệu lượt ý kiến tham gia". Ông khẳng định các ý kiến góp ý của nhân dân, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đã được tổng hợp đầy đủ, trung thực. "Tất cả ý kiến góp ý, dù là đa số hay thiểu số, đều được nghiên cứu, xem xét một cách đầy đủ, khách quan, kỹ lưỡng, không vì là ý kiến của thiểu số mà không được xem xét", ông nói.

Tại nghị quyết này, Quốc hội chỉ sửa đổi, bổ sung 5/120 điều, khoản của Hiến pháp 2013. Những nội dung mà nhân dân và các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến nhưng chưa được tiếp thu đều đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, giải trình cụ thể và báo cáo đầy đủ với Quốc hội.

Sau khi nghị quyết sửa đổi Hiến pháp được thông qua, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng được Quốc hội thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 34 nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cùng với nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị hành chính trên cả nước thực hiện thống nhất mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bắt đầu hoạt động từ ngày 1/7/2025.

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực ngay từ khi được thông qua. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: "Chính quyền địa phương ba cấp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu có ý nghĩa lớn. Giờ là lúc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới".

Cùng chuyên mục

Đoàn kết là chìa khóa cho thành công trong sắp xếp tinh gọn bộ máy
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong tiến trình sắp xếp lại bộ máy, khối đại đoàn kết dân tộc là yếu tố quyết định thành công. Việc sáp nhập tỉnh và tổ chức lại hệ thống chính trị cần đặt lợi ích nhân dân lên hàng đầu, đảm bảo hài hòa và bền vững.

Tin mới