Giá nhà ở xã hội vẫn nằm ngoài tầm với của người lao động thu nhập thấp
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng với mức lương 10 triệu đồng, người lao động phải chi trả nhiều khoản cho sinh hoạt, y tế, giáo dục nên việc mua nhà ở xã hội là điều khó khăn, thậm chí ngoài tầm với.
Ngày 24/5, tại buổi thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, chia sẻ rằng người lao động luôn mong muốn có một ngôi nhà nhỏ để ổn định cuộc sống và yên tâm làm việc.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Tuy nhiên, bà Trân nhận định, hy vọng sở hữu nhà ở xã hội là xa vời khi giá bất động sản ngày càng cao trong khi thu nhập không tăng tương xứng. "Luật Nhà ở đã ban hành chính sách, nhưng với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, cộng với tiền ăn, tiền học cho con, viện phí, điện nước, tiền thuê nhà, việc được tiếp cận nhà ở xã hội là ngoài tầm với", bà nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà chỉ ra rằng tiêu chí, quy trình xét duyệt hiện tại không phù hợp với những người có thu nhập thấp. Nhiều lao động dù muốn đăng ký nhưng phải từ bỏ vì không đủ điều kiện hoặc không dám gánh thêm áp lực nợ nần trong bối cảnh cuộc sống vốn đã khó khăn.
Nữ đại biểu đề xuất Quốc hội cần bổ sung thêm các cơ chế hỗ trợ thiết thực như trợ giá hoặc bù giá nhà ở xã hội từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ nhà ở quốc gia. Đồng thời, cần có quy định về giá trần hoặc giá sàn cho nhà ở xã hội theo từng khu vực, đảm bảo mức giá phù hợp với thu nhập thực tế của người lao động.
Bà Trân cũng kiến nghị cần phân loại địa phương theo mức độ nhu cầu nhà ở xã hội, dựa trên mật độ dân số, để phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội, cho rằng việc sáp nhập các tỉnh thành trong thời gian tới có thể khiến nhu cầu nhà ở xã hội tăng cao. Tuy nhiên, nguồn cung hiện nay vẫn rất hạn chế, dẫn đến giá nhà ở xã hội vượt xa khả năng chi trả của người lao động.
"25 triệu một m2 với người thu nhập thấp từ 15 hoặc dưới 15 triệu là rất khó. Hay giá thuê nhà hiện nay cao nhất là lên mức 200.000 đồng/m2 thì một nhà 30 m2 phải 6 triệu/tháng", ông Hạ nêu thực trạng.
Theo ông, nhóm đối tượng cần nhà ở xã hội nhiều nhất là lao động trẻ vừa ra trường, có thu nhập thấp và công việc chưa ổn định. Vì vậy, ông đề xuất cần đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội cho thuê, đồng thời có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể tiếp cận nhà với mức giá hợp lý.
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh, đồng tình rằng giá bán và giá thuê nhà ở xã hội hiện chưa phù hợp với thu nhập của người lao động. Pháp luật quy định không tính tiền sử dụng đất vào giá bán, nhưng trên thực tế, giá nhà vẫn cao, vượt khả năng chi trả của đa số người dân.
Ông Bình chỉ ra nguyên nhân là do cơ chế kiểm soát giá chưa hiệu quả. Một số dự án nhà ở xã hội tại các đô thị lớn có giá gần 25 triệu đồng mỗi m2, trong khi việc giám sát chuyển nhượng nhà ở xã hội còn lỏng lẻo. Tình trạng trục lợi chính sách và đầu cơ tinh vi đã xảy ra vì những kẽ hở trong quy định về thời hạn và điều kiện chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, báo cáo của Kiểm toán nhà nước năm 2022 cũng cho thấy có hiện tượng khai khống chi phí, làm đội giá nhà ở xã hội tại một số địa phương.
Đại biểu Bình đề nghị dự thảo cần bổ sung các cơ chế minh bạch trong việc xác định giá bán và giá thuê nhà ở xã hội, đồng thời tăng cường giám sát độc lập để đảm bảo chi phí đầu tư hợp lý và đúng đối tượng thụ hưởng. Ông cũng đề xuất bắt buộc công khai chi tiết phương án giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, đồng thời tổ chức lấy ý kiến từ cộng đồng và người lao động trước khi phê duyệt.
Quốc hội dự kiến bấm nút thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội vào ngày 29/6, ngày cuối cùng của kỳ họp.