Thứ bảy, 05/04/2025 20:13 (GMT+7)

"Cần tận dụng hiệu quả các cam kết, thỏa thuận, liên kết kinh tế quốc tế"

Hội nhập kinh tế được Tổng Bí thư Tô Lâm xác định là trung tâm, với ưu tiên hàng đầu là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số và tranh thủ các cơ hội từ các thỏa thuận quốc tế để phát triển đất nước.

Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế", khẳng định rằng hội nhập và phát triển của Việt Nam luôn đồng hành với những chuyển biến của thời đại. Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi Liên Hợp Quốc đã bày tỏ tinh thần mong muốn Việt Nam "làm bạn với tất cả các nước" và "thực thi chính sách mở cửa, hợp tác trong mọi lĩnh vực". Đây được xem như "bản tuyên ngôn" đầu tiên về cách tiếp cận hội nhập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với cộng đồng quốc tế.

tm-img-alt
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Tinh thần "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại" đã được Đảng vận dụng sáng tạo suốt 80 năm qua, luôn gắn liền cách mạng Việt Nam với trào lưu tiến bộ của nhân loại. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng xác định rằng muốn hòa bình, phát triển thì phải mở cửa, hợp tác với thế giới. Hội nhập quốc tế chính là "đặt đất nước vào dòng chảy chính của thế giới, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại", gia tăng sức mạnh qua sự gắn kết toàn cầu.

Theo Tổng Bí thư, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hướng tới thịnh vượng và hùng cường, đòi hỏi phải có tư duy và cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế. Nghị quyết 59 năm 2025 của Bộ Chính trị về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới" được xem là "bước ngoặt lịch sử", khẳng định hội nhập quốc tế là động lực đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Thành tựu hội nhập quốc tế và thách thức phía trước

Trong 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hội nhập quốc tế. Từ một quốc gia bị cô lập, Việt Nam hiện thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, bao gồm tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, xây dựng quan hệ sâu rộng trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng những kết quả này vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi sâu sắc bởi các chuyển dịch lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa và công nghệ, từ nay đến năm 2030 sẽ là giai đoạn quyết định để định hình trật tự thế giới mới. Nếu Việt Nam không kịp thời nắm bắt các cơ hội, nguy cơ tụt hậu sẽ trở nên hiện hữu.

"Đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử", Tổng Bí thư nhấn mạnh. Cùng với quốc phòng và an ninh, "đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế" là nhiệm vụ trọng yếu để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và phát triển đất nước.

Hội nhập kinh tế là trọng tâm, đổi mới là động lực

Tổng Bí thư khẳng định, hội nhập quốc tế phải dựa trên nội lực là yếu tố quyết định, kết hợp chặt chẽ với việc tranh thủ ngoại lực. Quá trình hội nhập không chỉ là hợp tác mà còn bao hàm đấu tranh, với tinh thần "hợp tác để đấu tranh và đấu tranh để hợp tác", chú trọng phần đối tác, hạn chế phần đối tượng.

Hội nhập kinh tế được xác định là trung tâm, các lĩnh vực khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế, với ưu tiên hàng đầu là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, các ngành có lợi thế cần được tập trung nguồn lực, ưu tiên các dự án then chốt như hạ tầng giao thông, năng lượng (đường sắt tốc độ cao, cảng biển, sân bay, điện gió, điện mặt trời), giảm phát thải và trung hòa carbon.

"Cần tận dụng hiệu quả các cam kết quốc tế, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, để đan xen lợi ích, giảm sự phụ thuộc vào một số ít đối tác", ông viết.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế trong nước là yếu tố quan trọng để thực thi các cam kết quốc tế. Chính sách cần hướng đến thu hút FDI chất lượng cao trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Hội nhập toàn diện: Từ chính trị, quốc phòng đến văn hóa, xã hội

Tổng Bí thư nhấn mạnh hội nhập về chính trị, quốc phòng, an ninh phải hướng đến nâng cao tiềm lực, vị thế đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Việt Nam cần phát huy mạng lưới quan hệ đối tác, tăng cường tin cậy chính trị, tranh thủ nguồn lực quốc tế để giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là "đột phá quan trọng hàng đầu". Hội nhập quốc tế về lĩnh vực này phải đưa các chuẩn mực trong nước tiệm cận với tiêu chuẩn toàn cầu, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và mở rộng không gian phát triển.

Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, du lịch cũng cần được đẩy mạnh hội nhập toàn diện. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ hội nhập có chuyên môn cao, đủ năng lực tham gia hòa giải và giải quyết tranh chấp quốc tế cần được xem là nhiệm vụ hàng đầu.

"Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự phát triển của một quốc gia không thể tách rời tác động của thời đại", Tổng Bí thư viết.

Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng đất nước đang cần một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để phát triển. Tinh thần đổi mới trong tổ chức bộ máy của Nghị quyết 18, tư tưởng "đột phá" về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57, và định hướng hội nhập quốc tế trong Nghị quyết 59 được xem là "bộ ba chiến lược" để hiện thực hóa mục tiêu "ổn định lâu dài - phát triển bền vững - đời sống nâng cao".

Tổng Bí thư yêu cầu các cấp lãnh đạo phải quán triệt tư duy mới về hội nhập quốc tế, đưa các định hướng chiến lược lớn của Đảng đi vào cuộc sống. Hội nhập không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực quan trọng để phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc

Cùng chuyên mục

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15 khai mạc sớm nửa tháng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV từ ngày 5/5, sớm hơn thông lệ nửa tháng, để tập trung thảo luận sửa đổi Hiến pháp và các luật phục vụ việc tổ chức lại bộ máy và sáp nhập tỉnh.

Tin mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, báo cáo các dự án đầu tư công gặp vướng mắc trước 10/4
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 26/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, cập nhật báo cáo các dự án đầu tư công gặp khó khăn, vướng mắc hoặc tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia