Thứ năm, 10/04/2025 22:43 (GMT+7)

Trung ương xem xét chủ trương bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND sớm hơn dự kiến

Bộ Chính trị trình Trung ương Đề án "Phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031", đề xuất tổ chức bầu cử sớm, nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh nội dung này trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, diễn ra sáng 10/4.

tm-img-alt

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Đề cập công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng cùng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Tổng Bí thư cho biết, từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương triển khai các công việc cần thiết. Trọng tâm được xác định là hai nhóm vấn đề: văn kiện và nhân sự.

“Về nhân sự, đây là vấn đề ‘then chốt’ của ‘then chốt’ để hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn của Đại hội XIV. Yêu cầu nhiệm vụ cao hơn, đòi hỏi mặt bằng đội ngũ cán bộ cao hơn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Công tác nhân sự phải được chuẩn bị từ sớm và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho đến Đại hội XIV”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bộ Chính trị đã chỉ đạo rà soát, bổ sung dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, bảo đảm phù hợp với cơ cấu của mô hình tổ chức mới. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đã rà soát, đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư khẳng định, tất cả các công việc quan trọng này đều nhằm đảm bảo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIV, dự kiến diễn ra vào Quý I/2026, theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Cùng với đó, để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội XIV vào cuộc sống, Bộ Chính trị trình Trung ương Đề án “Phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”. Đề án này đưa ra chủ trương tổ chức bầu cử sớm hơn, đồng thời cải cách, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân đối với công việc của đất nước.

“Đây là những vấn đề rất chiến lược, rất quan trọng để phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, Tổng Bí thư khẳng định. Ông cũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu, đóng góp ý kiến vào những nội dung quan trọng của từng chuyên đề.

Các văn bản liên quan sẽ là cơ sở, kim chỉ nam cho việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Theo Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Quốc hội cũng chịu trách nhiệm thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Điều 5 của luật này quy định, ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và cần được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử.

Liên quan vấn đề này, tại văn bản triệu tập kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 5/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến chương trình kỳ họp, trong đó đề nghị bổ sung nội dung xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đồng thời thông qua 13 dự án luật để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bao gồm Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi).

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đề xuất trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia; bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Những nội dung này dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44, khai mạc sáng 14/4.

Theo quy định, Hội đồng Bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Hội đồng này do Quốc hội thành lập, bao gồm từ 15 đến 21 thành viên, trong đó có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Thành phần Ủy viên là đại diện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Cùng chuyên mục

Cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương
Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã thống nhất phương án giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là bước đi chiến lược nhằm tổ chức lại bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả.
Khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa 13
Sáng 10/4, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII khai mạc tại trụ sở Trung ương Đảng, dự kiến kéo dài ba ngày. Hội nghị tập trung thảo luận sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy và công tác chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng.
Cấp xã sẽ có trung tâm hành chính công
Sau khi giải thể đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ đảm nhận thêm chức năng, quyền hạn và có trung tâm hành chính công để phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15 khai mạc sớm nửa tháng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV từ ngày 5/5, sớm hơn thông lệ nửa tháng, để tập trung thảo luận sửa đổi Hiến pháp và các luật phục vụ việc tổ chức lại bộ máy và sáp nhập tỉnh.

Tin mới

Khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa 13
Sáng 10/4, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII khai mạc tại trụ sở Trung ương Đảng, dự kiến kéo dài ba ngày. Hội nghị tập trung thảo luận sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy và công tác chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng.