Tội sản xuất hàng giả, lừa dối khách hàng bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật
Vừa qua, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng", ra Quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục) và Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlog) cùng 3 đồng phạm
Tội lừa dối khách hàng được hiểu là hành vi mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ bằng cách cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc sử dụng các thủ đoạn gian dối khác nhằm thu lợi bất chính. Theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng, nếu đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi này mà chưa được xóa án tích, hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, mang tính chất chuyên nghiệp, sử dụng thủ đoạn xảo quyệt hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài các hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị cấm hành nghề, cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội sản xuất hàng giả được hiểu là hành vi sản xuất các loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đúng kiểu dáng, nhãn hiệu, chất lượng đã đăng ký hoặc bắt chước kiểu dáng của các hãng nổi tiếng đã đăng ký bản quyền. Hành vi buôn bán hàng giả là việc mua hàng giả với giá rất rẻ và sử dụng các thủ đoạn gian dối để bán cho người tiêu dùng với giá của hàng thật.
Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người sản xuất hoặc buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, mang tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc danh nghĩa của cơ quan, tổ chức, hoặc khi giá trị hàng giả từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra, nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hơn như làm chết người, gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại về tài sản lớn, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, hình phạt áp dụng bao gồm phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng tùy thuộc vào mức độ vi phạm, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Trong trường hợp nghiêm trọng, pháp nhân có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, các pháp nhân này còn có thể bị phạt tiền bổ sung từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.