Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, báo cáo các dự án đầu tư công gặp vướng mắc trước 10/4
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 26/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, cập nhật báo cáo các dự án đầu tư công gặp khó khăn, vướng mắc hoặc tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đưa những dự án tồn đọng vào khai thác, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư, đồng thời phát huy hiệu quả vốn nhà nước và nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc nhập dữ liệu các dự án gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài. Hạn chót là trước ngày 10/4/2025.

Việc rà soát bao gồm cả các dự án đã báo cáo Ban Chỉ đạo trước ngày 25/3/2025, bên cạnh đó cần tiếp tục cập nhật thêm các dự án mới phát sinh khó khăn, vướng mắc. Các dữ liệu này được nhập trên hệ thống cơ sở dữ liệu tại đường link: "dautucong.mpi.gov.vn", trường thông tin “Ban chỉ đạo 1568”, mục “Bộ, CQTW, ĐP nhập thông tin”.
Công điện nhấn mạnh: Sau ngày 10/4, hệ thống sẽ dừng tiếp nhận thông tin mới. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nếu không chỉ đạo cập nhật thêm dự án sẽ được hiểu là không còn dự án vướng mắc cần báo cáo và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng và pháp luật về việc không báo cáo đầy đủ theo yêu cầu.
Phân công nhiệm vụ, giải quyết vướng mắc
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện nhiệm vụ, xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Ngày 30/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo – tính đến ngày 25/3, tổng số dự án gặp khó khăn, vướng mắc được báo cáo là 1.533 dự án. Trong đó, có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn nhận được văn bản của các doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp vướng mắc.
Bộ Tài chính đã tiến hành sơ bộ phân loại 17 nhóm khó khăn, vướng mắc phổ biến, bao gồm: xử lý tài sản công, quản lý và bố trí vốn đầu tư công, chuyển mục đích sử dụng đất, dừng hoặc thu hồi dự án, chấm dứt hoạt động dự án… Đồng thời, các dự án cũng được phân loại theo thẩm quyền giải quyết, bao gồm các cấp: Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, bộ ngành hoặc địa phương.
Giải quyết dứt điểm, xử lý theo từng vấn đề cụ thể
Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý triệt để 1.533 dự án đã báo cáo, đồng thời tiếp tục giải quyết các dự án phát sinh, với tinh thần "rõ đến đâu làm đến đó, làm chắc chắn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm". Đối với những vấn đề mang tính đặc thù, cần đề xuất cơ chế xử lý riêng. Thủ tục giải quyết các dự án phải hoàn thành trước ngày 30/5.

Riêng với các dự án vướng mắc về mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở, phải giải quyết triệt để. Dựa trên quy định pháp luật, tình hình địa phương và điều kiện cụ thể, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ hoặc chống đối. Với những đối tượng khó khăn, yếu thế, cần có chính sách phù hợp, thấu tình đạt lý.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tinh thần là làm việc nào dứt điểm việc đó, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa mở rộng”.