'Thủ đô kháng chiến' thuở nào, nay đã thay da đổi thịt
Chiến khu Tân Trào - Sơn Dương (Tuyên Quang) lịch sử, nơi nguồn thiêng hội tụ, vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Ðảng chọn làm nơi ở và làm việc thời kỳ tiền khởi nghĩa và suốt 9 năm kháng chiến gian khổ.
Là quê hương “Thủ đô kháng chiến”, Ðảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương trọn niềm tin theo Ðảng.
Biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển
Sơn Dương là huyện miền núi phía Nam tỉnh Tuyên Quang, giáp tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Nằm ở trung tâm Việt Bắc, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Nơi đây, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giữa thế kỷ XX đã trở thành trung tâm căn cứ cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến; nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội… Các di tích lịch sử nổi tiếng như: Cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Thanh La, Hang Bòng, bến Bình Ca…mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Truyền thống đó đã, đang và sẽ mãi là động lực to lớn trong mỗi bước đi lên của Sơn Dương.
Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, với tinh thần “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng huyện Sơn Dương phát triển nhanh, bền vững”, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, đặc biệt là triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, giành được nhiều thành tựu nổi bật, thực chất trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Dấu ấn nổi bật của huyện Sơn Dương sau gần một nhiệm kỳ là kinh tế - xã hội tăng trưởng, phát triển đúng hướng, hiệu quả. Sản xuất công nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút thêm nhiều dự án mới vào các khu, cụm công nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 2.663 tỷ đồng; xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp mới; đang triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế; kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phúc Ứng 2.
Cùng với đó, các tuyến đường giao thông được xây dựng, kết nối như đường ĐT185, ĐT186, đường 13B kéo dài; tuyến đường giao thông từ Dộc Vầu, Vân Sơn đi các xã Hồng Lạc, Trường Sinh; đường tránh thị trấn Sơn Dương; đường Tam Đa - Quang Yên; nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ trung tâm huyện vào các khu di tích thuộc xã Tú Thịnh, Minh Thanh; xây dựng cầu Trắng 2, xã Tân Trào; xúc tiến chủ trương đầu tư công trình xây dựng cầu và tuyến đường động lực từ Ngã 3 Tân Phúc đến tổ dân phố Làng Cả, thị trấn Sơn Dương đấu nối với đường ĐT185; nâng cấp tuyến đường ĐH15 Tỉn Keo - Bảo tàng Tân Trào. Bộ mặt đô thị thị trấn Sơn Dương và trung tâm các xã được chỉnh trang, nâng cấp. Xây dựng 111 trường học với tổng số vốn 635,246 tỷ đồng. Hoàn thành Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.
Về nông nghiệp, Sơn Dương chú trọng sản xuất hàng hóa, chuyên canh, từng bước hình thành vùng cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh cây trồng chủ lực là chè, mía, lúa, đã hình thành vùng chuyên canh cây trồng mới như lạc Lâm Xuyên, cà gai leo tại xã Hợp Hòa, sắn dây tại thị trấn Sơn Dương… Hiện có 16 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn nông nghiệp sạch và thực phẩm an toàn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ như gạo đặc sản Tân Trào, chè Ngân Sơn, chè Vĩnh Tân, bột sắn dây, tinh bột nghệ Tiến Phát... Chăn nuôi từng bước được thực hiện theo mô hình an toàn gắn với vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc. Kinh tế lâm nghiệp được chú trọng, trồng mới trên 2.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 52%, trên 4.374 ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC.
Du lịch phát triển với nhiều khởi sắc, đặc biệt là sản phẩm du lịch lịch sử, về nguồn, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Sơn Dương hiện có 226 di tích, trong đó có 47 di tích cấp quốc gia và 83 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Tân Trào với 4 nhóm di tích là: cụm di tích Tân Trào; cụm di tích Bác Tôn, Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận Liên Việt ở xã Trung Yên; cụm di tích Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên; cụm di tích Nha công an và các bộ, ngành ở xã Minh Thanh. Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt đó, Sơn Dương trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng, là điểm hẹn về nguồn linh thiêng của đồng bào cả nước. Đặc biệt, với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, có tiềm năng về du lịch văn hóa với 4 di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: hát Sọong cô của dân tộc Sán Dìu, hát Sình ca của người Cao Lan, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ và Lễ hội đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc.
Có thể khẳng định, trong tiến trình dựng nước và giữ nước, từ lao động và chiến đấu, với tình yêu quê hương đất nước, đôi bàn tay cần cù khéo léo và tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, Nhân dân các dân tộc huyện Sơn Dương đã sáng tạo, gìn giữ và làm giàu kho tàng văn hóa của mình. Những phong tục tập quán, những làn điệu sli, lượn, páo dung, sình ca, lễ cấp sắc; những nét hoa văn duyên dáng, tinh xảo trên những tấm thổ cẩm, trang phục…tạo nên đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo của đồng bào các dân tộc trên vùng quê Việt Bắc.
Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi trở lại Tân Trào. Cuộc sống đã thay đổi rõ rệt, những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu… được bảo tồn, sửa chữa và xây dựng mới khang trang, bề thế. Người dân phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước. Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Đức Soài cho biết, thu nhập bình quân của người dân hiện đạt 52,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 1,11%; 95% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% đường thôn đã được cứng hóa; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát... Mừng nhất là tuyến đường ĐH15 dài trên 4 km nối ATK Tân Trào với ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và dự án Làng Văn hóa du lịch Tân Lập đang được xúc tiến xây dựng.
Vững niềm tin viết tiếp trang sử mới
Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Thanh Huyền khẳng định, sự đoàn kết, tư duy đổi mới, khơi thông mọi nguồn lực, Đảng bộ huyện Sơn Dương chỉ đạo, điều hành đồng bộ, triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân. Chủ trương của huyện là tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền cho cán bộ, địa phương, đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung thực hiện tốt khâu đột phá trong nêu gương; cán bộ, công chức phải sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ hằng năm và làm cơ sở để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; không chọn việc dễ, bỏ việc khó, phải tạo được chuyển biến đồng bộ, thực chất, hiệu quả.
Phát huy thành tựu đạt được, Đảng bộ huyện Sơn Dương phấn đấu hoàn thành 100% các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025); đặc biệt tập trung hoàn thành các chỉ tiêu có tính chất tạo động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội như: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, thu hút, mở rộng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt theo quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Ông Giang Tuấn Anh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND chia sẻ: “Đảng bộ và Nhân dân huyện Sơn Dương luôn tự hào và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, không ngừng đoàn kết, sáng tạo với khát vọng vươn lên, phấn đấu giành những thành tựu mới”. Theo đó, nhiệm vụ ưu tiên là đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, chú trọng các dự án trọng điểm, tuyến đường giao thông kết nối như: Cầu và tuyến đường tránh thị trấn Sơn Dương từ km183, QL37 đi qua tổ dân phố Tân Kỳ, Tân Phúc, qua Quốc lộ 2C đến km 188, QL37, tổ dân phố Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương... Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.
Đối với các hạng mục về giao thông đô thị, quy hoạch tuyến đường đô thị và cầu trên địa bàn thị trấn Sơn Dương đến năm 2030, trong đó có cầu bắc qua sông Phó Đáy trên tuyến đường tránh đang được xây dựng. Về đô thị động lực, đã hoàn thành xây dựng dự án khu đô thị tổ dân phố Cơ quan - Tân Bắc giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2; hoàn thành xây dựng quy hoạch chi tiết khu nhà ở Sơn Đông tại tổ dân phố Quyết Thắng; khu đô thị tổ dân phố Quyết Thắng - Đăng Châu và khu đô thị tổ dân phố Kỳ Lâm - Làng Cả. Tất cả đã và đang được triển khai theo lộ trình, hy vọng sẽ mở ra những triển vọng mới.
Tự hào về vùng đất cội nguồn, từ đình Hồng Thái, từ lán Nà Nưa; từ đình Tân Trào, từ bến Thia, sông Đáy... từ suối nguồn cách mạng, cái nôi của “Thủ đô kháng chiến” trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người Tân Trào - Sơn Dương hôm nay đã và đang viết tiếp truyền thống, vươn lên xây dựng cuộc sống mới với tâm thế vững vàng.
Đi dọc đường xuân, không gian ăm ắp thanh bình bởi màu xanh mướt mát của lúa, ngô, cây trái chạy dài theo dòng sông Phó Đáy uốn quanh, ôm lấy những mái nhà sàn bình yên. Dòng suối Khuôn Pén huyền tích ngày nào đã được ngăn làm đập thủy lợi. Dòng nước mát lành tưới tắm cho cây trái, cho xanh thêm những cánh đồng bờ xôi, ruộng mật và cuộc sống sung túc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu... bao đời son sắt, thủy chung, bồi đắp cho những dòng sông, dải lúa xanh tươi, trĩu cành xanh lá.
Dưới mái đình Hồng Thái, chúng tôi gặp ông Ksor Keng, người dân tộc Gia Rai ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Từ Tây Nguyên về thăm chiến khu Việt Bắc, ông bộc bạch: “Trở về Tân Trào, trong lòng tôi trào dâng niềm tự hào về Bác Hồ kính yêu, tự hào về “Thủ đô kháng chiến”. Dừng chân ở mỗi địa danh lịch sử, mọi người đều cảm nhận còn đâu đây bóng hình của Bác. Tân Trào là “địa chỉ đỏ” để mỗi người dân Việt Nam “Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”, vững chí, bền tâm kiến thiết, dựng xây đất nước”.
Hôm nay, trên vùng đất “hắt hiu lau xám” ngày xưa đã đổi thịt thay da, vươn mình trỗi dậy cùng cả nước đi lên. “Thủ đô kháng chiến” Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang năm xưa vẫn “đậm đà lòng son”, thủy chung, son sắt với Đảng, với cách mạng, vững niềm tin viết tiếp trang sử mới.