Thứ tư, 19/02/2025 11:07 (GMT+7)

Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM, đã được Quốc hội thông qua sáng nay (19/2) với 459/459 đại biểu tán thành.

tm-img-alt
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM.

Nghị quyết được thông qua nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Thành phố).

Nghị quyết áp dụng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan.

Về huy động và bố trí vốn đầu tư, Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định các nội dung đầu tư các dự án theo danh mục kèm theo Nghị quyết. Trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035, mức vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP. Hà Nội tối đa 215.350 tỷ đồng và cho TP. Hồ Chí Minh tối đa 209.500 tỷ đồng.

Nguồn vốn phân bổ theo quy định này được sử dụng từ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn hợp pháp khác. Trường hợp sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm, không phải tuân theo thứ tự ưu tiên của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nghị quyết cho phép huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để triển khai dự án mà không cần lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định. Việc áp dụng có thể theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài nếu pháp luật Việt Nam chưa có hoặc có nhưng khác với quy định của nhà tài trợ.

Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm từ các nguồn gồm: ngân sách địa phương, vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho vay lại, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi hằng năm (nếu có), cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh theo đúng Nghị quyết và quy định liên quan. Đồng thời, phải quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí và cung cấp thông tin đầy đủ để người dân đồng thuận.

Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh danh mục dự án thuộc Phụ lục của Nghị quyết theo đề xuất của UBND Thành phố và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị quyết.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tham gia thẩm định khi được mời trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu EPC, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài.

Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hồ sơ tổng mức đầu tư theo báo cáo thẩm định của cấp quyết định đầu tư, gửi kết quả kiểm toán trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

UBND Thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và tiến độ, ngăn chặn trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí. Đồng thời, chỉ đạo sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo tính đồng bộ; huy động doanh nghiệp đầu tư phương tiện; tái cơ cấu, xây dựng mô hình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng thống nhất và hiệu quả; tham gia phát triển công nghiệp đường sắt; kiện toàn tổ chức triển khai quản lý dự án theo đúng quy định.

Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện Nghị quyết trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Cùng chuyên mục

Không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3
Công văn số 13421-CV/VPTW ngày 17/2/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng sơ kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách dân số.
Nghệ An: Phó chủ tịch thị xã xin nghỉ hưu trước tuổi
Ông Đinh Thế Vinh hiện đang giữ chức phó chủ tịch UBND Thị Xã Thái Hòa vừa làm đơn gửi tổ chức xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện cho quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy nhà nước theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Tin mới