Phong tục đón năm mới ở các nước trên thế giới
Một năm cũ đã qua và mở màn một năm mới với hy vọng về những điều tốt đẹp phía trước. Mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều có phương thức chào đón năm mới thật độc đáo, mang đậm nét văn hóa riêng để cầu chúc tiền tài, may mắn và hạnh phúc.
Tết năm mới tại Hoa Kỳ:
Là một quốc gia đa sắc tộc do phần đông là người nhập cư, nên năm mới ở Hoa Kỳ cũng có nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, có một đặc điểm chung nhất trong đêm giao thừa là mọi người thường đổ ra đường và nhảy múa suốt đêm để đón chào năm mới. Các đường phố chật kín người với tiếng cười đùa, còi sáo vang rộn với ánh đèn hòa lẫn những bông hoa giấy đủ sắc màu.
Vào đêm giao mùa 31/12, hàng ngàn người Mỹ tập trung ở Quảng trường Thời Đại (Times Square). Có khoảng một triệu người tập trung ở Quảng trường Thời Đại tại thành phố New York vào tối ngày 31/12. Họ đứng sát bên nhau cùng chờ đón khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đếm giây cuối cùng cũng là lúc một quả cầu thuỷ tinh đẹp lung linh, chứa hàng ngàn mảnh thuỷ tinh tượng trưng cho những vì sao đang cháy sáng xuyên qua bóng đêm của năm cũ, rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống “Auld Lang Syne” rồi tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời.
Tết của người Anh:
Giống như những quốc gia khác, những ngày đầu năm mới tại Anh cũng được bao trùm bởi bầu không khí nhộn nhịp, tưng bừng nhưng không kém phần trang trọng. Vào đêm cuối cùng của năm cũ, người Anh sẽ có thói quen tập trung tại quảng trường Piccally Circus và Trafalgar hay xung quanh của những nơi mà mọi người có thể nghe thấy tiếng chuông của đồng hồ Big Ben tại London. Lúc này, mọi người sẽ nắm tay nhau và cùng hát “Auld Lang Syne” như một lời chúc mừng năm mới thành công.
Tương tự như tục lệ của các nước Đông Á, ở Anh cũng có phong tục kiêng quét dọn nhà cửa vào những ngày đầu năm mới. Bởi vì họ cho rằng hành động này sẽ khiến cho gia đình mất đi những điều may mắn và tài lộc.
Mặc dù thuộc các nước ở Châu Âu nhưng người Anh cũng có thói quen tìm người xông đất vào những ngày đầu năm mới. Theo họ, thì sau đêm giao thừa, vị khách đầu tiên đến nhà có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi đến thăm gia chủ, họ sẽ không gõ cửa mà phải tiến thằng vào trong nhà. Đồng thời, trên tay phải mang theo những món quà truyền thống của người Anh như bánh mì và muối, tiền hoặc than đá. Theo phong tục, những món đồ này là biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng. Đồng thời, người Anh cũng rất kiêng kỵ những người có mái tóc đỏ hoặc vàng đến xông đất.
Tết ở đất nước Thụy Sĩ:
Thụy Sỹ là một quốc gia nhỏ bé nằm ở Trung Âu, với diện tích chỉ hơn 41.000 km2 và dân số là 7,8 triệu người. Quốc gia này có tới bốn ngôn ngữ chính là Pháp, Đức, Italy và Romanche. Đặc biệt, Thụy Sĩ có tới 26 bang. Mỗi bang có quyền tự chủ, ngân sách, quy định và luật pháp riêng. Chính vì vậy, tập tục đón năm mới của người Thụy Sĩ ở mỗi vùng cũng rất phong phú và đa dạng.
Vào đêm giao thừa, ngay trước nửa đêm, tiếng chuông nhà thờ trên khắp Thụy Sĩ bắt đầu vang lên trong vài phút. Người Thụy Sĩ gọi đó là đổ chuông năm cũ để nói lời tạm biệt với năm cũ cùng với mọi việc vui buồn đã xảy ra trong thời gian đó. Cho dù ngoài trời lạnh giá, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng ra ngoài hoặc ít nhất là mở cửa sổ hoặc cửa ban công để lắng nghe tiếng chuông ngân nga, da diết. Tiếng chuông được ngưng lại bởi một khoảng thời gian tĩnh lặng. Sau đó là mười hai tiếng chuông truyền thống đánh dấu nửa đêm và bắt đầu một hồi chuông chào đón năm mới.
Mọi người trở về ngôi nhà ấm cúng, rót đầy ly Champagne. Trẻ em cũng sẽ nhận được ly Champagne chứa đầy Rimuss - một đồ uống tuyệt vời được đựng trong một cái chai giống như rượu Champagne, nhưng không có cồn để mọi người cùng có được một chút đồ uống cụng ly chào đón năm mới.
Đón năm mới ở Nga:
Người Nga rất thích các kỳ nghỉ lễ. Năm mới là ngày lễ được chờ đợi nhất và là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Do lãnh thổ rộng lớn và vị trí địa lý trải dài từ châu Âu sang châu Á, ngày lễ đón năm mới ở Nga được tổ chức ở các vùng khác nhau theo những cách khác nhau. Qua thời gian, phong tục đón năm mới ở xứ sở Bạch Dương cũng có nhiều thay đổi. Nhưng năm mới luôn là thời điểm đề mọi người kỳ vọng vào một khởi đầu thuận lợi, nỗi buồn qua đi, chỉ có niềm vui và những ấn tượng sống động ở phía trước.
Người Nga ở đâu cũng muốn được đón năm mới với cây thông Tết trong nhà. Trước năm mới, đường phố chật ních người qua lại. Ai ai cũng cố kết thúc mọi việc để đón Tết thoải mái. Đặc biệt lo sắm quà cho con cái và mua một cây thông thật đẹp. Có nhiều loại thông nhựa, nhưng người Nga rất quý cây thông thiên nhiên. Trang hoàng cây thông Tết là công việc thích thú của người Nga. Nhiều gia đình cha mẹ cùng con cái tiến hành, cũng có nhà chỉ có người lớn trang hoàng thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ: nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp. Một đặc trưng nữa trong lễ Tết ở Nga là việc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em.
Tục đón Tết của người Nhật:
Nhật bản là một đất nước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Đặc biệt là văn hóa Nhật – một giá trị truyền thống đặc sắc có sức ảnh hưởng không chỉ trong nước mà cả ngoài cộng đồng quốc tế.
Giống như ở Việt Nam, vào những ngày giáp Tết, người Nhật Bản thường dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. Theo quan niệm của họ, vị thần Toshigami – sama linh thiêng nhất trong Thần đạo Shinto sẽ đến thăm nhà vào ngày đầu tiên của năm mới. Vì vậy, nhà cửa cần phải sạch sẽ để chào đón Thần.
Lễ rung chuông – Joya no kane là một truyền thống lâu đời được tổ chức ở Nhật vào đêm giao thừa. Hồi chuông dài được gióng lên 108 lần đánh dấu năm cũ qua đi năm mới lại đến. Bên cạnh đó, 108 tiếng chuông cũng tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo Phật giáo. Joya no kane có ý nghĩa thanh lọc tâm trí và linh hồn của mọi người vào năm mới.
Ở Việt Nam có “bánh chưng – bánh dày” thì ở Nhật, Osechi Ryori là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết. Osechi Ryori có nguồn gốc từ hơn 1000 năm về trước và được bắt đầu từ những món đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay số lượng món đã được tăng lên thể hiện cuộc sống sung túc, dư dả và viên mãn của người Nhật.
Trong phong tục người Nhật, vào ngày cuối cùng của năm cũ mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức bát mì Soba. Mì Soba có đặc điểm dài, dai nhưng dễ cắn đứt thể hiện cho việc những xui xẻo của năm cũ được chấm hết và chào đón năm mới nhiều may mắn. Vì vậy, ngày 31/12 hằng năm, các quán mì Soba ở Nhật lại tấp nập khách ra vào.
Đón Tết truyền thống ở "xứ sở kim chi"
Cũng giống như người Việt Nam, người Hàn Quốc đón Tết cổ truyền vào ngày 1 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đối với người Hàn Quốc, Seolla không chỉ là đánh dấu một năm mới. Đây còn là dịp đặc biệt để người Hàn Quốc nhớ về tổ tiên và gặp gỡ những thành viên trong gia đình. Trong những ngày Tết truyền thống, người Hàn Quốc thường mặc hanbok (trang phục truyền thống của người Hàn Quốc), thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi các trò chơi dân gian, ăn các món ăn truyền thống, nghe kể chuyện và gặp gỡ mọi người. Có rất nhiều thứ cần phải chuẩn bị cho Seollal. Đặc biệt là thực phẩm, phương tiện đi lại và quà tặng. Chỉ riêng đồ thờ cúng và quà tặng cũng đã có quá nhiều thứ phải chuẩn bị. Do đó mà những ngày gần Tết ở chợ và các cửa hàng bách hóa thường chật cứng người mua đồ. Thực phẩm dùng cho thờ cúng thường có các loại rau, thịt, cá, trái cây được lựa chọn kỹ càng về hình dáng, màu sắc và độ tươi.
Buổi sáng đầu năm mới được bắt đầu bằng nghi lễ cúng tổ tiên. Toàn bộ các thành viên trong gia đình ăn mặc chỉnh tề (thường là hanbok), tập trung trước bàn thờ cúi lạy trước vong linh của tổ tiên, cầu ông bà tổ tiên mang đến cho cả gia đình một năm mới an khang thịnh vượng. Sau lễ cúng gia tiên, mọi người trong gia đình cùng thưởng thức đồ cúng. Món ăn chính trong ngày đầu năm mới là tteokguk, canh bánh gạo truyền thống được làm từ bánh gạo thái lát, thịt bò, trứng và rau. Người Hàn Quốc tin rằng ăn tteokguk trong ngày đầu năm mới là lớn thêm một tuổi. Trong dịp này, người ta có thể hỏi tuổi của nhau một cách vui vẻ bằng câu: “Cậu ăn bao nhiêu lần tteokguk rồi?”
Phong tục Tết của người Trung Quốc:
Cũng giống như người Việt Nam, người Trung Quốc chuẩn bị Tết từ rất sớm. Vào dịp Tết, người Trung Quốc cũng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Một điểm đặc biệt ở Trung Quốc vào ngày này là sắc đỏ rực rỡ ở khắp nơi. Màu đỏ là màu truyền thống và mang ý nghĩa may mắn ở quốc gia này. Người ta treo câu đối đỏ, đèn lồng đỏ và đốt pháo đỏ để bày tỏ lòng vui mừng, mong muốn một năm mới bình yên, may mắn.
Mỗi năm của Trung Quốc tương ứng với một con vật trong 12 con giáp giống như Việt Nam. Tuy nhiên, trong lịch của Trung Quốc thì không có con mèo mà sẽ thay bằng con thỏ. Vào đầu năm mới, người Trung Quốc cũng kiêng không ăn thịt con vật tương ứng với con giáp của năm đó.
Đêm Giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau, cùng ăn bữa tối thịnh soạn. Sáng sớm đầu tiên của năm mới, các em bé sẽ chúc Tết người lớn và được nhận tiền lì xì (mừng tuổi) trong phong bao đỏ.
Cũng như Việt Nam, Trung Quốc cũng có những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết và mang những đặc trưng riêng không thể trộn lẫn với bất kỳ nơi nào. Một số món ăn ngày Tết của Trung Quốc như: Bánh tổ (Niao Gao), sủi cảo, bánh há cảo, salad cá, gà Kung Pao, vịt quay, thịt lợn chua ngọt, chả giò, mứt Tết…
Tết ở Philippines:
Philippines là một đất nước vừa chịu ảnh hưởng của phương Tây và Trung Quốc nên phong tục tập quán của Philippines có sự pha trộn nhưng vẫn mang những nét truyền thống đặc trưng. Những ngày giáp Tết, những thành viên trong gia đình đều cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Trước đêm giao thừa, họ sẽ chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình thưởng thức vào lúc nửa đêm. Bàn tiệc thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, biểu thị những đồng tiền xu, với ước vọng đem lại may mắn về tài chính cho gia đình. Món chính thường là pancit (mì sa tế với gà và rau), gà rán, bánh gạo ngọt hoặc bánh pudding, cùng các món ăn truyền thống khác. Trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm banh hoặc chai rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới.
Trong ngày đầu năm, rất nhiều người Philippines có truyền thống ngồi liệt kê những thói quen xấu mà họ muốn từ bỏ, và đưa ra một bản danh sách những mục tiêu muốn hoàn thành trong năm mới. Trẻ con Philippines vào ngày Tết cũng được mặc quần áo mới, người lớn thì ca hát, ăn nhậu. Mỗi khu phố, bản làng đều có những cuộc chơi tập thể. Vùng quê đám thanh niên đeo mặt nạ giả thần núi nhảy múa chung với cả làng để cầu phúc, cầu may, cầu mùa màng bội thu và một năm mới tốt lành.
Đón Tết ở Malaysia:
Theo truyền thuyết kể lại rằng, ngày Tết cổ truyền của Malaysia được bắt nguồn từ cuộc chiến của con người và một con quái vật thần thoại là Nian. Con quái vật này đã xuất hiện vào ngày đầu tiên của năm mới để ăn thịt những vật nuôi, cây trồng. Thậm chí là cả con người nữa. Vì vậy, người dân đã mang những thực phẩm để ra trước của với hi vọng rằng con quái vật này sẽ ăn đồ ăn để sẵn mà không tấn công con người. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng Nian sợ màu đỏ và tiếng ồn nên hằng năm, cứ vào ngày đầu tiên của năm mới người ta lại treo những chiếc đèn lồng màu đỏ lên cửa và đốt pháo để đuổi Nian đi và để cả năm Nian không quay lại nữa.
Tết cổ truyền Malaysia được tổ chức trong vòng 15 ngày với trọng tâm chính là 3 ngày đầu tiên trong năm. Trước đó, những người dân Malaysia gốc Hoa sẽ dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ với mong muốn quét sạch đi những xui xẻo của năm cũ để chào đón một năm mới may mắn hơn.
Theo phong tục ngày tết của người Malaysia, khi đến thăm nhà của những người Malaysia trong dịp Tết bạn sẽ được tiếp đãi bằng nhiều món ăn ngon. Đặc biệt là quýt. Bởi quýt là một loại quả không thể thiếu trong dịp tết truyền thống của người dân Malaysia. Lịch nghỉ tết Malaysia chỉ có 2 ngày chính thức nhưng những lễ hội lại thường được kéo dài cho đến hết rằm tháng Giêng.
Tết Âm lịch tại Ấn Độ:
Lễ hội Holi được xem là một trong những lễ hội vào mùa Xuân quan trọng nhất trong năm của người dân Ấn Độ. Lễ hội Holi là sự đánh dấu thời điểm kết thúc của một mùa Đông khắc nghiệt và để chào đón một mùa Xuân tươi mới. Bên cạnh đó, người Ấn Độ cũng cho rằng, nắng ấm của mùa Xuân sẽ giúp xua tan đi cái lạnh mùa Đông, giống như việc cái thiện đánh lùi cái ác. Trong ngày lễ Holi có diễn ra một sự kiện vô cùng độc đáo và nổi tiếng là mọi người sẽ ném bột màu vào nhau dù có quen nhau hay không.
Điều thú vị nhất trong truyền thống đón Tết độc đáo của người Ấntại Gujarat là tất cả mọi người, nhất là những người kinh doanh sẽ đóng lại tài khoản cũ (Chopda) và mở ra sổ tài khoản mới, như một cách để bỏ đi năm cũ dù thành công hay thất bại và bắt đầu chặng đường mới.
Có thể nói, việc mỗi một vùng đất có một cách đón Tết khác nhau đã tạo cho phong tục đón Tết cổ truyền ở Ấn Độmột nét độc đáo không lẫn vào đâu được, khiến ai cũng phải thích thú.