Nỗ lực nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Ninh
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp phổ biến và giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp phổ biến và giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hoạt động này tập trung vào các khu vực miền núi, biên giới và hải đảo, giúp bà con nâng cao kiến thức pháp luật, tuân thủ đúng quy định và góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội.
Giữa tháng 8/2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) đã phối hợp với UBND xã Điền Xá (huyện Tiên Yên) tổ chức hội nghị trợ giúp pháp lý lưu động. Tại hội nghị, thông tin pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, giao thông đường bộ và nhiều vấn đề khác được truyền tải sinh động, gần gũi qua những câu chuyện thực tế.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) giải đáp vướng mắc về pháp luật cho người dân xã Điền Xá (huyện Tiên Yên)
Người dân địa phương đánh giá cao những buổi trợ giúp pháp lý này. Theo chị Nông Thị Hoa (xã Điền Xá), các hội nghị giúp bà con hiểu rõ các quy định pháp luật, tránh vi phạm. Những vướng mắc về pháp lý cũng được cán bộ tỉnh, xã giải đáp cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con.
Ngoài tuyên truyền trực tiếp, Quảng Ninh còn thực hiện PBGDPL qua báo chí, các cuộc thi trực tuyến và tư vấn qua phát thanh, truyền hình, mạng xã hội. Một số chương trình phổ biến pháp luật như “Phiên tòa giả định” về Luật Giao thông đường bộ cũng thu hút đông đảo người dân và học sinh, giúp truyền tải kiến thức một cách sinh động.

Huyện Đoàn Bình Liêu đã kết hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân huyện và Trường THPT Bình Liêu tổ chức các phiên tòa giả định, qua đó truyền tải kiến thức pháp luật hiệu quả. Các mô hình sáng tạo như “Kể chuyện theo án” hay “Tăng cường PBGDPL kết hợp giới thiệu việc làm cho ngư dân” cũng được duy trì, mở rộng và phát huy hiệu quả.
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có đội ngũ PBGDPL hùng hậu: 185 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 388 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.455 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 9.128 hòa giải viên ở cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt giúp truyền tải kiến thức pháp luật sâu rộng đến từng thôn bản, xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho cộng đồng DTTS trên địa bàn.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, hơn 95% người DTTS tại Quảng Ninh đã tiếp cận được thông tin pháp luật. Công tác PBGDPL đã giúp giảm thiểu tình trạng đơn thư vượt cấp, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành công tại cơ sở và tăng cường tình đoàn kết. Những nỗ lực này không chỉ hỗ trợ quản lý nhà nước mà còn phát huy dân chủ, giữ vững an ninh và trật tự xã hội tại các vùng đồng bào DTTS.