Gần 1.000 ca bệnh nặng mỗi năm được chữa khỏi bằng can thiệp tim mạch
Trung bình mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tiếp nhận hơn 4.000 ca bệnh liên quan tới tim mạch, trong đó gần 1000 ca phải can thiệp điều trị bằng kỹ thuật Can thiệp Tim mạch.
Thuật ngữ y học “can thiệp tim mạch” là kỹ thuật để điều trị hai nhóm bệnh lý chính, bao gồm bệnh lý liên quan tới mạch không phải mạch ở tim (mạch ở tay, chi, thận,...) và bệnh lý liên quan tới mạch ở tim gọi là mạch vành. Đây là kỹ thuật y tế mà nếu kịp thời điều trị thì khả năng phục hồi của bệnh nhân gần như là hoàn toàn. Cụ thể, phương pháp điều trị bằng cách đưa dụng cụ (đặt stent) vào tận nơi vị trí tổn thương thông qua động mạch.
Vừa qua, trong tháng 12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã tiếp đón đoàn chuyên gia đến từ Bệnh viện Nagoya Ekisaikai (Nhật Bản), trong đó có Tiến sĩ, Bác sĩ Takuma Tsuda, chuyên gia đầu ngành về điều trị can thiệp tim mạch. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tiến sĩ, Bác sĩ Takuma Tsuda đã có buổi trao đổi chuyên môn với các y bác sĩ tại Khoa Can thiệp Tim và Mạch máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Tại đây, Tiến sĩ Takuma Tsuda đã cung cấp nhiều thông tin mới nhất, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn khi áp dụng những khuyến cáo đó trong điều trị một số ca bệnh phức tạp tại Nhật Bản hiện nay.
Cũng tại chuyến thăm, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã phối hợp cùng ekip Khoa Can thiệp Tim và Mạch máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tiến hành thực hiện can thiệp trực tiếp cho một nam người bệnh 62 tuổi, cư trú tại quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng, được chỉ định can thiệp Động mạch mũ (LCx) còn hẹp 90% tổn thương rất phức tạp, mạch xoắn vặn, vôi hóa nhiều. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, hiện người bệnh đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Trao đổi với phóng viên Phổ biến Pháp luật Việt Nam, ThS.BSNT Đặng Quang Hưng - Trưởng khoa Can thiệp Tim & Mạch máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp chia sẻ: “Đây được gọi chung là bệnh xơ vữa động mạch, một bệnh lý toàn thân liên quan đến hệ mạch máu như mạch tạng, mạch não, mạch tim,… Đây là căn bệnh âm thầm qua nhiều năm, với các yếu tố nguy cơ chủ yếu gồm yếu tố di truyền và các yếu tố bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, thừa cân béo phì, hút thuốc lá, lười vận động và áp lực từ lối sống hiện đại. Việt Nam đang chứng kiến xu hướng bệnh lý này gia tăng tương tự như các nước phát triển, với chế độ ăn uống không lành mạnh, đồ ăn nhanh, ít thực vật và ít vận động. Chỉ riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, mỗi năm tiếp nhận khoảng 4.000 ca bệnh, trong đó 1.000 ca cần can thiệp đặt stent. Dự kiến, số lượng bệnh nhân mắc bệnh này trong cộng đồng còn lớn hơn rất nhiều, chiếm tới 85-90% so với bệnh nhân cần đặt stent.”
“Hiện nay, kỹ thuật đặt stent đã phổ biến tại các bệnh viện lớn trên cả nước, tuy nhiên những trường hợp khó vẫn đòi hỏi trình độ chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ và sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại. Một yếu tố quan trọng là vật tư tiêu hao, bao gồm các thiết bị y tế được đưa trực tiếp vào cơ thể người bệnh, thường có giá thành cao và khó tiếp cận. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, các vật tư cơ bản đã được đáp ứng và bệnh viện cũng đang triển khai các phương án để tiếp cận vật tư tiêu hao hiện đại hơn cho các trường hợp khó. Những bệnh nhân được can thiệp đặt stent có tỉ lệ hồi phục khỏe mạnh đạt trên 95%” – bác sĩ Hưng đề cập.
Nói thêm về vấn đề pháp lý liên quan tới phẫu thuật đặt stent tại các cơ sở y tế hiện nay, ThS.BSNT Đặng Quang Hưng: “Hiện nay hành lang pháp lý cho kỹ thuật phẫu thuật đặt stent được quy định rất rõ ràng. Thứ nhất, các bệnh viện để được sử dụng kỹ thuật y tế này thì phải có đề án trình và được phê duyệt từ Bộ Y tế cho tới Sở ban ngành địa phương. Thứ hai, các bác sĩ phải có năng lực chuyên môn, thể hiện bằng chứng chỉ trong lĩnh vực này, sau quá trình học tập và rèn luyện thực tế. Thứ ba, là bác sĩ thực hiện phải được phân công nhiệm vụ bởi các cấp lãnh đạo của bệnh viện. Đây là những yêu cầu bắt buộc cơ bản.
Về vấn đề pháp lý liên quan tới việc kết hợp với các chuyên gia tại các bệnh viện nước ngoài để hỗ trợ chữa bệnh cho bệnh nhân, các bệnh viện cũng cần chuẩn bị đề án và xin phê duyệt, ý kiến chỉ đạo của Sở ban ngành chuyên môn; ngoài ra, liên quan tới yếu tố người nước ngoài nên cần có cả phê duyệt của Sở Ngoại vụ, tức là phải có ý kiến của UBND Thành phố”.
Qua buổi trao đổi có thể thấy, kỹ thuật đặt stent trong can thiệp tim mạch là bước đột phá trong điều trị các bệnh lý mạch máu, mang lại hiệu quả cao và tỉ lệ phục hồi đáng kể. Thành công trong ứng dụng kỹ thuật này tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp khẳng định vai trò quan trọng của y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng; cần được chú trọng và hỗ trợ nhiều hơn.