Gần 600 loại sữa bột giả bán công khai: Lỗ hổng pháp lý ở đâu?
Vụ việc sữa bột giả với hàng trăm nhãn hiệu được quảng cáo, bày bán công khai khiến dư luận lo ngại về lỗ hổng pháp lý và quản lý. Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần rà soát và có biện pháp xử lý triệt để.
Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2024.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Bà nêu vấn đề đáng chú ý là 10 năm chưa ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết khoản 7 Điều 50 của Luật Người khuyết tật.
“Giả sử quy định này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, thì cần đánh giá tác động của việc chậm trễ này như thế nào?”, bà Hải đặt vấn đề và đề xuất có những kiến nghị xử lý mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, bà Hải cũng đề cập đến vụ triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, lên tới hàng trăm nhãn hiệu.
Bà dẫn ý kiến cử tri, cho rằng vụ việc không chỉ cho thấy lỗ hổng trong quản lý mà còn bộc lộ những vấn đề trong hệ thống văn bản pháp luật.
“Qua thông tin từ báo chí, Bộ Công Thương cho biết đây không thuộc đối tượng quản lý của bộ này. Còn Bộ Y tế lại khẳng định trách nhiệm thuộc về công tác hậu kiểm. Vậy lỗ hổng pháp lý ở đâu?”, bà Hải nêu băn khoăn.
Bà cũng chia sẻ ý kiến từ cử tri rằng trên nhãn mác các loại sữa giả vẫn ghi rõ thành phần, nhưng người tiêu dùng không thể kiểm chứng. Đáng lo ngại, đây là các sản phẩm dành cho đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai.
“Sữa giả được bày bán công khai như vậy có lỗ hổng pháp lý hay không? Cần rà soát kỹ và nếu có, phải thông tin đầy đủ để báo cáo với cử tri cả nước”, bà Hải kiến nghị.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cũng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan đổi mới tư duy trong công tác lập pháp. Ông nhấn mạnh, các luật, pháp lệnh, nghị quyết được ban hành cần có tính ổn định, lâu dài, và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn.
Về phía Chính phủ và các bộ, ngành, ông Bình kiến nghị cần khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.
Theo ông Bình, trong năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các kiến nghị của Quốc hội trong kỳ giám sát 2023, ban hành thêm 52 văn bản quy định chi tiết còn “nợ đọng” từ trước.
“Tuy nhiên, vẫn còn 35 nội dung quy định chi tiết thi hành của 14 luật và 2 pháp lệnh chưa được ban hành. Trong số đó, có những nội dung đã ‘nợ đọng’ hơn 10 năm, dù đã nhiều lần kiến nghị. Ngoài ra, vẫn còn 4 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không phù hợp, chưa bảo đảm tính chặt chẽ và thống nhất của hệ thống pháp luật, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung”, ông Bình cho biết.
Báo cáo cũng chỉ rõ, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan vẫn chủ yếu dựa vào báo cáo từ Chính phủ, các bộ, ngành, thay vì chủ động phát hiện và kiến nghị xử lý những nội dung chưa phù hợp.
Ông Bình nhấn mạnh, cần đảm bảo các cơ quan thực hiện đúng quy định, kịp thời báo cáo kết quả xử lý đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.