Thứ bảy, 03/05/2025 08:20 (GMT+7)

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ lên tới 150 triệu đồng

Dự luật sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính đề xuất mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ tăng từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng, cùng nhiều lĩnh vực khác nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự luật này dự kiến được trình tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

tm-img-alt

Cảnh sát giao thông xử phạt các hành vi vi phạm. (Ảnh: Hồng Quang)

Trong dự thảo, Chính phủ đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa trong nhiều lĩnh vực so với quy định hiện hành. Các lĩnh vực được đề xuất tăng mức phạt bao gồm phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng chống thiên tai; an ninh mạng và an toàn thông tin mạng.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định xử lý vi phạm trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh, với mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng được đề xuất tăng mức phạt lên tối đa 75 triệu đồng.

Theo dự thảo, mức phạt tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn sẽ tăng từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng, trong khi mức phạt đối với vi phạm về an ninh mạng và an toàn thông tin mạng cũng được nâng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.

Đối với các lĩnh vực xây dựng, bao gồm quản lý quy hoạch, kiến trúc, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, cùng các lĩnh vực như lâm nghiệp, đất đai, thị trường bất động sản, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, mức phạt tối đa được đề xuất tăng lên đến 500 triệu đồng.

Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền tối đa được đề xuất tăng từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng. Lĩnh vực đê điều được nâng mức phạt tối đa từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng.

Mức phạt cao nhất, lên đến 1 tỷ đồng, được đề xuất áp dụng với các lĩnh vực như quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam; quản lý hạt nhân, chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, ngân hàng, tín dụng; khai thác dầu khí và khoáng sản; bảo vệ môi trường; và thủy sản.

Chính phủ cho biết, việc nâng mức phạt nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa, phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Đồng thời, điều này đáp ứng yêu cầu cần tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực "nóng", nơi nhiều hành vi vi phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân.

Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng các đề xuất này sẽ đảm bảo khả năng thực thi trong thực tiễn, tránh gây áp lực quá lớn lên người vi phạm.

Trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành việc bổ sung lĩnh vực và nâng mức phạt tối đa đối với vi phạm liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để đáp ứng yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, đối với việc bổ sung lĩnh vực mới, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần thuyết minh rõ lý do và cơ sở để xác định mức phạt tối đa của từng lĩnh vực. Đồng thời, với các lĩnh vực đã được quy định trong luật hiện hành, cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất phù hợp trong quá trình sửa đổi toàn diện luật.

Cùng chuyên mục

Chế độ với cán bộ, công viên chức khi tinh giản bộ máy
Chính phủ ban hành Nghị định 67/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 178 quy định chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy nhà nước.

Tin mới