Thứ năm, 24/04/2025 23:39 (GMT+7)

Chủ tịch nước Lương Cường: Ngoại giao Việt Nam tạo nên phong trào quốc tế rộng lớn

Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định “Câu chuyện Việt Nam” tỏa sáng giá trị nhân văn, trở thành hình mẫu về khép lại quá khứ, hướng tới hòa bình, hòa hợp dân tộc, hàn gắn chiến tranh và phát triển bền vững.

Ngày 23/4, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”. Tại đây, Chủ tịch nước Lương Cường đã nhấn mạnh rằng mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều phải vượt qua những thời khắc lịch sử mang tính bước ngoặt, quyết định vận mệnh và con đường phát triển của mình.

tm-img-alt
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại hội thảo.

Đối với Việt Nam, chiến thắng ngày 30/4/1975 là một sự kiện lịch sử trọng đại, không chỉ mang lại sự thống nhất đất nước mà còn mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch nước khẳng định, trong chiến thắng lịch sử đó, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp vai trò to lớn. Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và những bài học từ chiến thắng này vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao, kiến tạo hòa bình và phát triển đất nước.

Vai trò quan trọng của ngoại giao trong lịch sử dân tộc

Nhìn lại hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò đặc biệt của công tác ngoại giao. Ông phân tích, ngoại giao Việt Nam đã huy động được sự ủng hộ to lớn cả về tinh thần và vật chất từ các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên thế giới, tạo nên một phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng có, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Theo Chủ tịch nước, trong thế kỷ 20, hiếm có cuộc đấu tranh nào của một dân tộc lại quy tụ được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ từ cả trong nước lẫn quốc tế như Việt Nam. Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các mặt trận quân sự và chính trị, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”, giúp từng bước giành thắng lợi, tạo tiền đề giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những cuộc đàm phán căng thẳng tại Hội nghị Geneva năm 1954, Hội nghị Paris (1968-1973) đã đi vào lịch sử, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của các nhà ngoại giao Việt Nam như Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình, Xuân Thủy... Chính những nỗ lực này đã khiến đối phương phải nể phục và góp phần đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi trọn vẹn.

Không chỉ trong thời kỳ chiến tranh, ngoại giao Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết đất nước, triển khai thành công đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới, giúp xây dựng môi trường quốc tế thuận lợi để bảo vệ và phát triển đất nước.

Tinh thần vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai

Chủ tịch nước nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút”, như một minh chứng cho tinh thần yêu chuộng hòa bình và thiện chí của Việt Nam ngay cả trong thời chiến. Việc đối xử nhân đạo với tù binh Mỹ, trao đổi tù binh theo Hiệp định Paris, tạo điều kiện cho phía Mỹ di tản công dân và nhân viên quân sự trong những ngày cuối tháng 4/1975, hay hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích... là những hành động thiện chí, đặt nền móng cho việc nối lại quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Chính những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, như John McCain hay John Kerry, sau này đã trở thành những người đi đầu trong quá trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

tm-img-alt
Chủ tịch nước và các đại biểu dự hội thảo.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, chiến thắng 30/4/1975 và sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sau đó là minh chứng điển hình về tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Ông khẳng định: “Câu chuyện Việt Nam” với những giá trị nhân văn cao đẹp vẫn vẹn nguyên tính thời đại và thời sự, tiếp tục tỏa sáng trong hành trình xây dựng hòa bình bền vững, hòa hợp dân tộc, và phát triển đất nước.

Ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ rằng, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những biến động lớn, ngoại giao Việt Nam đang đổi mới để bước vào một kỷ nguyên mới. Từ một quốc gia từng phụ thuộc vào sự hỗ trợ quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia chủ động đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Phó Thủ tướng khẳng định, từ những bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng cao vai trò trong việc bảo vệ an ninh và kiến tạo hòa bình trên thế giới.

Những giá trị cao đẹp của “Câu chuyện Việt Nam” không chỉ là nguồn cảm hứng cho nhân dân Việt Nam mà còn mang tính thời đại sâu sắc, góp phần lan tỏa thông điệp về hòa bình, đối thoại và phát triển bền vững.

Cùng chuyên mục

Tin mới