Chân gà, đuôi lợn 'sạch' không rõ xuất xứ sắp tuồn ra thị trường bị phát hiện tại Nghệ An
Ngày 13/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện xử lý gần 500kg chân gà, đuôi lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, Chi cục QLTT Nghệ An về triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” và công tác hậu kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2025. Ngày 13/5, Đội QLTT số 3 phối hợp với lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm sạch NK có địa chỉ tại Xóm Mai Lộc, phường Hưng Đông, TP.Vinh do ông Trần Ngọc T. làm chủ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công ty đang kinh doanh 350 kg chân gà, 125 kg đuôi lợn đông lạnh. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa nêu trên.

Gần 500kg chân gà, đuôi lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Nghệ An được lực lượng chức năng phát hiện.
Đội QLTT số 3 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty với số tiền 34 triệu đồng đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật, tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 26 triệu đồng.
Lực lượng chức năng cho biết, tiếp tục bám sát các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp có hiệu quả với các cơ quan chức năng, chú trọng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa vi phạm ATTP, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Căn cứ khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Căn cứ điểm c khoản 1, các quy định từ khoản 2 đến khoản 11 và điểm a khoản 12 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi vi phạm về thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ xử phạt tương ứng với giá trị hàng hóa vi phạm như sau:
(i) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng.
(ii) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.
(iii) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
(iv) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
(v) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
(vi) Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
(vii) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.
(viii) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
(ix) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
(x) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
(xi) Phạt tiền từ 80.000 000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.