"Thư viện xanh": Biểu tượng hợp tác Việt Nam - Ấn Độ vì thế hệ tương lai!
Ngày 16/12/2024, Chính phủ Ấn Độ thông qua Đại sứ quán tại Việt Nam đã ký kết triển khai dự án "Thư viện xanh tại trường THCS Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội”. Đây là một trong 10 dự án sử dụng Quỹ dự án tác động nhanh (QIPs).
Buổi lễ có sự tham dự của bà T. Ajungla Jamir, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, ông Phạm Quyết Thắng, cán bộ Kinh tế thương mại Đại sứ quán Ấn Độ, và ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, cùng đại diện Ban Giám hiệu trường THCS Thịnh Quang. Đây là một trong những dự án hợp tác quan trọng, khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Dự án “Thư viện xanh tại trường THCS Thịnh Quang” có tổng vốn đầu tư 50.000 USD (tương đương 1,25 tỷ đồng), hoàn toàn từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam. Thư viện sẽ được xây dựng với mục tiêu cải thiện điều kiện học tập, nâng cao kiến thức cho học sinh và giáo viên, đồng thời thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường thông qua thiết kế xanh và thân thiện với thiên nhiên.
Đây là một trong 10 dự án sử dụng Quỹ dự án tác động nhanh (QIPs) trong khuôn khổ MGC Mê Công – sông Hằng 2024 - 2025.
Trước đó, ngày 24/6/2024, Bộ Ngoại giao vừa có Công văn số 3156/BNG-KTĐP thông báo danh sách 10 dự án sử dụng Quỹ dự án tác động nhanh (QIPs) trong khuôn khổ Hợp tác MGC giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, các tỉnh có dự án được thông qua quỹ QIPs trong khuôn khổ MGC 2024 - 2025 bao gồm Bắc Kạn, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đắc Nông, Thái Nguyên, TP. Hà Nội.
Được biết, Dự án tác động nhanh (QIPs) là sáng kiến thuộc khuôn khổ Hợp tác Mê Công - Sông Hằng (MCG) của Ấn Độ dành cho Việt Nam và một số quốc gia khác. Hợp tác Mê Công - Sông Hằng được khởi động năm 2000 ở Lào nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục, và giao thông vận tải giữa Ấn Độ với các quốc gia tiểu vùng sông Mê Công gồm Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam. Đến nay, các lĩnh vực hợp tác đã được mở rộng và bao gồm cả y tế và y học cổ truyền, nông nghiệp, thủy lợi, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khoa học và công nghệ, phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực.
Đặc trưng của QIPs là những dự án có mức vốn khiêm tốn, trung bình 50.000 USD nhắm vào các lĩnh vực hỗ trợ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như xây dựng lớp học, nhà dưỡng lão, kênh mương và cầu nông thôn, đường xá, trung tâm cộng đồng địa phương, xây dựng năng lực trong lĩnh vực giáo dục, y tế, vệ sinh hoặc phát triển cộng đồng. Các dự án có thời gian thực hiện ngắn chỉ trong vòng 1 năm, kết quả thiết thực và mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng ở cấp địa phương.