Thủ tướng yêu cầu khởi công đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm sau
Sáng 26/4, kết luận phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ để phát triển ngành đường sắt, thực hiện các mục tiêu 100 năm của đất nước.
Theo các Nghị quyết và chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, hiện cả nước đang tập trung triển khai 4 dự án đường sắt quan trọng: tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; tuyến Hà Nội-Lạng Sơn và Hải Phòng-Móng Cái; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; cùng các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong phiên họp đầu tiên diễn ra tháng 3/2025, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thủ tục đầu tư cho các dự án. Đến nay, trong số 19 nhiệm vụ theo tiến độ, có 6 nhiệm vụ đã hoàn thành, 12 nhiệm vụ chưa đến hạn và 1 nhiệm vụ còn chậm trễ.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng biểu dương sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Xây dựng và hoan nghênh các địa phương, bộ ngành đã tích cực triển khai nhiệm vụ. Ông nhắc lại tinh thần "thần tốc, táo bạo hơn nữa" trong việc phát triển ngành đường sắt, đồng thời yêu cầu các cơ quan chủ động thực hiện các dự án theo đúng các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và Quốc hội.
Thủ tướng khẳng định mục tiêu không thay đổi là phải khởi công tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong năm 2025 và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trong năm 2026. Ông đề nghị huy động đa dạng các nguồn vốn, bao gồm vốn Trung ương, địa phương, vay nợ, trái phiếu, hợp tác công tư, BOT, BT cùng các hình thức khác.
Để đảm bảo tiến độ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện các Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4/2025 để kịp thời trình Quốc hội vào đầu tháng 5. Đồng thời, các bộ ngành cần hoàn thành 4 nghị định liên quan trong tháng 5/2025, bao gồm các quy định về thiết kế kỹ thuật tổng thể, phát triển khoa học công nghệ đường sắt, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, và quy định về sử dụng đất rừng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng hoàn thiện quyết định về danh mục dịch vụ công nghiệp đường sắt trước tháng 6/2025; Bộ Công Thương xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trong quý 2/2025.
Riêng việc đàm phán hiệp định vay vốn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và phía Trung Quốc để đảm bảo hoàn thành đàm phán, đáp ứng tiến độ cho các dự án.
Đối với tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Thủ tướng nhấn mạnh cần thiết kế tuyến đường thẳng nhất, qua sông thì bắc cầu, qua đồng thì đổ đất, qua núi thì khoét núi. Ông giao Bộ Xây dựng hoàn thiện hướng tuyến để các địa phương giải phóng mặt bằng trước tháng 9/2025.
Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai tại Nghị quyết số 106/NQ-CP, đảm bảo khởi công chậm nhất vào tháng 12/2026.
Về các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu hai thành phố bám sát Nghị quyết 188/2015/QH15 để triển khai và giải quyết các vướng mắc với sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp cùng Bộ Xây dựng và các địa phương di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ các dự án. Ông yêu cầu huy động cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia, trong đó Viettel và VNPT cần chủ động nghiên cứu, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và điều khiển cho các dự án đường sắt.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao phối hợp với Hà Nội triển khai các thủ tục liên quan đến tổ hợp công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án. Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu giao việc cho các tập đoàn tư nhân lớn, miễn là không xảy ra tiêu cực, tham nhũng và lãng phí.