Thứ năm, 06/02/2025 10:42 (GMT+7)

Thống nhất sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Ngày 5/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

tm-img-alt
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Mục tiêu là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 07 chương, 59 điều, giảm 84 điều so với Luật hiện hành. Dự thảo quy định cụ thể về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp; tổ chức đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính...

Dự thảo Luật quy định khi phân quyền, phân cấp phải bảo đảm xác định rõ nội dung, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương; tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các cấp; phù hợp với điều kiện từng vùng, địa bàn; đồng thời kiểm soát quyền lực và quy định trách nhiệm giám sát của cơ quan cấp trên. Dự thảo cũng xác định rõ chủ thể phân cấp và chủ thể nhận phân cấp, trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ được phân cấp.

Về ủy quyền, dự thảo Luật quy định cụ thể các chủ thể được ủy quyền, chủ thể nhận ủy quyền, yêu cầu và trách nhiệm của các bên liên quan. Mục tiêu là bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng ủy quyền tràn lan.

tm-img-alt
Toàn cảnh phiên họp.

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời nhất trí với phạm vi, tên gọi và bố cục của dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản đồng ý với mô hình chính quyền địa phương theo hướng phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.

tm-img-alt
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Đối với đề xuất mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định này phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần lý giải thuyết phục hơn do tác động lớn đến thiết chế dân chủ ở địa phương. Một số ý kiến cũng cho rằng mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong dự thảo Luật chưa thống nhất với mô hình tổ chức chính quyền tại Hà Nội theo Luật Thủ đô.

Về tổ chức và hoạt động của UBND, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy quy định trong dự thảo chưa thể hiện rõ yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chưa có cơ chế tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của UBND. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị thống nhất mô hình tổ chức UBND theo chế độ thủ trưởng, Chủ tịch UBND là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp, cơ quan nhà nước cấp trên và pháp luật.

Về phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp. Đồng thời, cần rà soát dự thảo Luật này và dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần đảm bảo tính đồng bộ với các luật khác, đồng thời rà soát kỹ lưỡng để tránh xung đột với Hiến pháp. Về mô hình chính quyền địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu khả năng tăng quyền cho Chủ tịch UBND nhưng cần cân nhắc bỏ thẩm quyền quyết định của tập thể UBND.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Nội vụ lấy ý kiến các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, khi sửa đổi các quy định liên quan đến thẩm quyền của HĐND và UBND. Đối với đề xuất không tổ chức HĐND ở xã trong đô thị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá toàn diện để trình Quốc hội xem xét.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Nội vụ và Thường trực Ủy ban Pháp luật trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phạm vi sửa đổi toàn diện, đồng thời yêu cầu đảm bảo thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền và ủy quyền.

Về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, ủy quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với dự thảo Luật, đồng thời yêu cầu tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất giữa các luật liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất quy định rõ nhiệm vụ, cơ chế làm việc của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp theo hướng rõ ràng, cụ thể nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định của luật.

Ngoài ra, về hiệu lực thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ nhưng nội dung này cần báo cáo cấp có thẩm quyền. Đối với hai vấn đề lớn (không tổ chức HĐND ở xã trong đô thị và tổ chức mô hình UBND theo chế độ thủ trưởng), Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan nghiên cứu, trình tại cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền.

Cùng chuyên mục

Sau sắp xếp, Quốc hội còn 7 Ủy ban
Chiều 6-2, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số vấn đề lớn, trong đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.

Tin mới