Tài khoản mạng xã hội phải xác thực số điện thoại mới được đăng bài
Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Quy định mang lại nhiều thay đổi quan trọng trong việc quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, và dịch vụ trò chơi điện tử.
Một trong những điểm nhấn của Nghị định 147 là yêu cầu xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại tại Việt Nam. Cụ thể, người dùng mạng xã hội (bao gồm cả mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới) phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động chính chủ.
Chỉ khi nào người dùng xác nhận không có số điện thoại tại Việt Nam hoặc có sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì mới phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, việc sử dụng mạng xã hội cần được đăng ký bằng thông tin của cha mẹ hoặc người giám hộ, đồng thời chịu trách nhiệm giám sát nội dung mà trẻ em đăng tải, chia sẻ.
Theo Nghị định, chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được phép đăng tải nội dung, bình luận, livestream, và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Điều này nhằm đảm bảo tính xác thực và trách nhiệm của người dùng trong không gian mạng.
Thời gian thực hiện xác thực là từ ngày 25/12/2024 đến hết ngày 24/3/2025. Sau thời hạn này, tức từ ngày 25/3/2025, các tổ chức cung cấp mạng xã hội không tổ chức thực hiện xác thực tài khoản cho người dùng sẽ bị xử lý theo quy định. Người dùng không xác thực tài khoản sẽ không được bình luận, đăng bài, hoặc livestream.
Mặc dù chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan sẽ có thời gian 90 ngày để thực hiện các yêu cầu chuyển tiếp. Trong thời gian này, các đơn vị phải rà soát và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình hoạt động của mình. Báo cáo bao gồm tổng số lượt truy cập từ Việt Nam, số lượng người dùng thường xuyên trong một tháng, và số liệu thống kê trong thời gian 6 tháng liên tục.
Nghị định cũng giới hạn phạm vi áp dụng đối với các dịch vụ có lượng truy cập lớn, trên 100.000 lượt mỗi tháng, hoặc có sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Sau thời gian 90 ngày, những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không tuân thủ quy định sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Bên cạnh việc quản lý mạng xã hội, Nghị định 147 cũng đề cập cụ thể đến các quy định cấp phép trò chơi điện tử. Các nhà cung cấp trò chơi điện tử, đặc biệt là loại hình G1 – trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi thông qua hệ thống máy chủ, sẽ phải thực hiện rà soát và báo cáo tình trạng hoạt động trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực.
Trong báo cáo, doanh nghiệp cần cung cấp danh sách và số lượng trò chơi đã được cấp phép, tên trò chơi, phân loại độ tuổi, nguồn gốc trò chơi, phạm vi và phương thức cung cấp dịch vụ, cùng với danh sách các trò chơi đã dừng phát hành. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thẩm định và cấp lại giấy phép cho các trò chơi đủ điều kiện. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu, doanh nghiệp sẽ nhận thông báo dừng phát hành từ Bộ.
Các doanh nghiệp phát hành trò chơi sau khi nhận thông báo dừng từ Bộ sẽ có thời hạn 90 ngày để chấm dứt hoạt động phát hành trò chơi đó. Điều này áp dụng đặc biệt với các thể loại game bài, khi quy định cấm mô phỏng các trò chơi có thưởng tại casino hoặc các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài.
Người sử dụng dịch vụ mạng xã hội, bao gồm tổ chức và cá nhân, cũng được quy định rõ về quyền và nghĩa vụ. Họ có quyền sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo pháp luật, được bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin mà mình lưu trữ, cung cấp, và phát tán. Người dùng cũng cần tuân thủ các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng xã hội và các quy định pháp luật liên quan đến thuế và giao dịch trực tuyến.
Ngoài ra, chủ tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, và nhóm cộng đồng trên mạng xã hội phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý nội dung. Họ không được đặt tên gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí và phải gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật trong thời gian quy định khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng. Đặc biệt, các tài khoản sử dụng tính năng livestream phải tuân thủ các yêu cầu của Nghị định 147 và các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan.
Nghị định 147 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý không gian mạng, đảm bảo an ninh thông tin và tạo điều kiện cho các hoạt động trực tuyến phát triển lành mạnh, bền vững. Các đơn vị liên quan cần khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Nghị định trong thời gian chuyển tiếp.
Việt Nam có 110 triệu tài khoản mạng xã hội Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng MXH trong nước khoảng 110 triệu tài khoản, MXH xuyên biên giới là 203 triệu. Trong đó, số người dùng Zalo hằng tháng (tính đến 30-6-2024) là 76,5 triệu người dùng. Số người dùng Facebook tại Việt Nam là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và TikTok 67 triệu người dùng. |