Quốc hội đồng ý giữ nguyên HĐND cấp quận, phường
Sáng 19/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), theo đó giữ nguyên HĐND cấp quận, phường trên cả nước.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là một trong bốn dự án luật được Quốc hội xem xét, sửa đổi để phục vụ công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy. Luật có 50 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2025, với 458/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,82% tổng số đại biểu Quốc hội.
Duy trì tổ chức Hội đồng nhân dân
Chính phủ đề xuất duy trì tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tại tất cả các đơn vị hành chính, trừ trường hợp cụ thể do Quốc hội quy định.
Một số đại biểu đề nghị tiếp tục tổng kết, đánh giá việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở một số địa phương để đề xuất mô hình phù hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ tổng kết mô hình chính quyền đô thị để có cơ sở đề xuất phương án phù hợp, đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất trên cả nước theo chủ trương cải cách, sắp xếp bộ máy.
Luật quy định chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã sẽ gồm HĐND và UBND. Trong trường hợp Quốc hội quy định không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại một số đơn vị hành chính, chính quyền địa phương ở đó sẽ chỉ có UBND.
Chính quyền địa phương tại nông thôn gồm cấp tỉnh, huyện, xã. Trong khi đó, chính quyền địa phương tại đô thị bao gồm chính quyền ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn. Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tổ chức chính quyền địa phương sẽ do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị.

Giữ nguyên mô hình hiện hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành để tránh ảnh hưởng đến quá trình vận hành hệ thống. Bà nhấn mạnh, việc đánh giá tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương, vẫn đang được tiến hành. Trước mắt, Chính phủ đề nghị giữ nguyên để đảm bảo ổn định.
Với việc thông qua luật này, Quốc hội đồng ý duy trì HĐND cấp quận, phường trên cả nước, trừ những nơi được Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND).
Một số đại biểu đề nghị cân nhắc quy định các đảo, quần đảo là đơn vị hành chính cấp huyện có thể tổ chức thêm cấp xã để phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Một số ý kiến khác đề xuất giao quyền trực tiếp cho UBND cấp huyện hoặc thiết lập mô hình hành chính đặc thù khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã tại đảo, quần đảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay có một số huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã như Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Việc không chia các huyện đảo thành đơn vị hành chính cấp xã dựa trên đặc điểm địa lý, dân cư, yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với Hiến pháp.
Khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã tại huyện đảo, UBND cấp huyện sẽ trực tiếp quản lý nhà nước trên địa bàn mà không cần lập thêm mô hình hành chính đặc thù.
Một số đại biểu đề nghị thể chế hóa quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và bổ sung yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương để cải cách thủ tục hành chính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến này và điều chỉnh dự thảo luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” cùng nguyên tắc “cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao cấp đó” được thể hiện trong toàn bộ dự thảo, đặc biệt tại Điều 4 (Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương) và Chương III (Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp).
Các nội dung tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật đã nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, đảm bảo thể chế hóa kịp thời chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.