Thứ tư, 20/11/2024 17:08 (GMT+7)

Ngọn lửa tri thức và đức hy sinh của những người lái đò thầm lặng

“Dưới hào quang của ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học” - Đôn-ki-xtôi. Trong những ngày này, chúng ta đang hướng về ngày 20 - 11 với tình cảm chân thành và lòng biết ơn sâu sắc gửi tới các thầy giáo, cô giáo.

tm-img-alt
Trao bài báo về 'Nhà giáo Hồ Quỳnh' người bạn học của nhà giáo Lê Xuân Huấn

Nhân dịp tham dự tuần lễ hội văn hóa du lịch tại tỉnh Hòa Bình, tôi có cơ hội trò chuyện với anh Lê Xuân Hà, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cao Phong. Câu chuyện của anh đã dẫn tôi về một nhân vật đặc biệt - cụ Lê Xuân Huấn, người ông trong gia tộc của anh, đồng thời là một nhà giáo tận tụy với sự nghiệp “trồng người” trên mảnh đất miền núi Tây Bắc.

Cụ Lê Xuân Huấn sinh năm 1930 tại xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân từ gia đình nghèo khó, nhưng ý chí vươn lên của ông thật đáng khâm phục. Năm 1952, ông gia nhập bộ đội kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, với thương tật chiến tranh, ông rời quân ngũ để theo học tại Sư phạm Vinh, rồi trở thành một thầy giáo trẻ tại quê nhà.

Năm 1959, dù đã có vợ và một cậu con trai nhỏ, nhưng theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, thầy giáo trẻ Lê Xuân Huấn xung phong lên miền núi Hòa Bình để dạy học. Trước ngày lên đường, ông cùng các thầy cô giáo tình nguyện có dịp tập trung tại Quảng trường Ba Đình và được gặp Bác Hồ. Những lời căn dặn ân cần của Bác về việc “mang cái chữ lên vùng cao, diệt giặc dốt” đã trở thành nguồn động viên lớn lao giúp thầy vững bước trên hành trình gian khó.

Đến Hòa Bình, vùng đất còn nghèo khó và xa lạ, thầy Huấn nhanh chóng thích nghi. Sau vài năm ổn định, ông đón vợ và con lên đoàn tụ, bắt đầu xây dựng cuộc sống trên mảnh đất mới. Ông hỗ trợ vợ mình theo học tại trường Y tế tỉnh, đồng thời tiếp tục sự nghiệp giáo dục, bền bỉ gieo tri thức tại những vùng cao như Mai Châu, Đà Bắc. Công việc của ông đầy thách thức, khi vừa dạy học, vừa xây dựng trường lớp, vừa ứng phó với chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Trong gần 40 năm làm nghề giáo, thầy Lê Xuân Huấn đã đào tạo biết bao thế hệ học trò. Có người trưởng thành giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng, có người ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những đóng góp thầm lặng nhưng vĩ đại ấy đã được ghi nhận qua nhiều Huân chương, Huy chương và Bằng khen. Nhưng điều khiến tôi xúc động hơn cả là những kỷ vật ông để lại.

Một tập thiếp mời cũ từ những năm 1980 được thầy khâu thành quyển để ghi chép các bài học, triết lý sống. Trong đó, một đoạn văn bằng tiếng Pháp được dịch ra tiếng Việt nhấn mạnh ý nghĩa của lao động và trách nhiệm học tập. Những dòng chữ ấy không chỉ dành cho chính ông mà còn là bài học truyền lại cho các thế hệ học trò, con cháu.

Đặc biệt, một bức thư ông viết gửi người cha đã khuất khi ở tuổi 80, nhắc lại cuốn sách “Giáo huấn diễn ca” mà cha ông mua từ năm 1939, đã làm tôi nghẹn ngào. Cuốn sách cũ với 9 trang nhỏ bé chứa đựng những giá trị giáo dục sâu sắc, là hành trang tinh thần mà ông trân quý cả đời. Lời dặn của người cha không biết chữ, nhưng luôn khát khao học hỏi, đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời thầy Huấn.

Ngày thầy ra đi, thầy để lại cho đời những di sản tinh thần quý giá. Sáu người con của thầy đều trở thành những công dân mẫu mực, trong đó bốn người nối nghiệp cha làm giáo viên, hai người là doanh nhân thành đạt. Qua họ, tôi cảm nhận được hình ảnh một nhà giáo mẫu mực, không chỉ truyền tri thức mà còn truyền lửa yêu thương, trách nhiệm và ý chí vượt khó.

Thầy Lê Xuân Huấn là tấm gương sáng ngời về lòng tận tụy, đức hi sinh và sự mẫu mực. Cuộc đời thầy không chỉ là hành trình của một nhà giáo mà còn là câu chuyện của lòng nhân ái và niềm tin vào giá trị của tri thức. Những di sản thầy để lại mãi mãi là nguồn cảm hứng quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cùng chuyên mục

Đại hội thành lập Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hải Phòng
Chiều 13/4, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hải Phòng chính thức được thành lập và ra mắt. Đây là bước tiến quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp địa phương tăng cường liên kết, hội nhập sâu rộng, phát triển mạnh mẽ và vươn tầm quốc gia, quốc tế.
Khánh thành Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng
Ngày 5/4, Cảng container quốc tế Hateco Hải Phòng tại Lạch Huyện, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng chính thức được đưa vào khai thác. Với quy mô hơn 70 ha, có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu container lớn nhất thế giới.
Năm 2025, NCB dự kiến tăng thêm 7.500 tỷ đồng vốn điều lệ
NCB sẽ nâng vốn điều lệ từ 11.780 tỷ đồng như hiện tại lên 19.280 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán, dự kiến khoảng 7.500 tỷ đồng, sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Tin mới

Cựu chiến binh sống nhân ái, nghĩa tình
Nhiều năm qua, người dân xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn quen thuộc với hình ảnh người cựu chiến binh Đỗ Văn Ngưỡng giàu lòng nhân ái, thường xuyên giúp đỡ những gia đình khó khăn, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội.