Thứ năm, 14/11/2024 16:32 (GMT+7)

Người mẫu An Tây bị tạm giữ điều tra liên quan đến ma túy sẽ đối diện hình thức xử lý nào?

Người mẫu, diễn viên Andrea Aybar, tên Việt là An Tây hay Nguyễn Thị An (29 tuổi, quốc tịch Tây Ban Nha) đang bị tạm giữ cùng một số người để điều tra vì liên quan đến ma túy, An Tây sẽ bị xử lý thế nào?

tm-img-alt
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Phổ biến Pháp luật Việt Nam, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật cho biết: Hiện nay, tình trạng người nghiện và sử dụng ma túy diễn ra phổ biến, có dấu hiệu ngày càng gia tăng và phức tạp. Một số đối tượng đã sử dụng vũ trường, quán bar, nhà nghĩ để sử dụng, tổ chức sử dung trái phép ma túy, mua bán, trao đổi trái phép ma túy... thậm chí là sử dụng ma túy khi tham gia giao thông. Tác hại của ma túy là rất nặng nề, nguy hiểm, tạo ảo giác, tổn hại sức khỏe của bản thân người sử dụng và đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người khác; gây mất trật tự an toàn xã hội. 
Theo Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, pháp luật nghiêm cấm các hành vi như tàng trữ, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy...
Giả sử cơ quan chức năng kết luận đối tượng có hành vi tàng trữ, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà đối tượng có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử lý vi phạm hành chính: Theo khoản 1, điểm a khoản 2, điểm b khoản 4 và điểm a, d khoản 8 Điều 23 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức hoặc hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và trục xuất nếu là người nước ngoài. 
Về xử lý hình sự: Nếu hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 249 và Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (hiện nay, Bộ luật Hình sự chưa có quy định về xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy), cụ thể: Theo Điều 249 của Bộ luật này quy định về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam...
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam...
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam; Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam...
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên; Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên...
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Còn theo Điều 255 của Bộ luật này quy định về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; đối với phụ nữ mà biết là có thai; đối với người đang cai nghiện; gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây bệnh nguy hiểm cho người khác; tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên; đối với người dưới 13 tuổi.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; làm chết 02 người trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, trong trường hợp của diễn viên An Tây còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra, trên cơ sở đó mới có thể xác định được tội danh và hình phạt tương ứng.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nam Định: Kiểm tra việc thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận của lực lượng vũ trang
Chiều ngày 19/11, Đoàn kiểm tra của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Công an và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nam Định để kiểm tra việc thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận của lực lượng vũ trang tỉnh năm 2024.