Phát triển ngành Hala ở Việt Nam dưới góc nhìn Tôn giáo học
Ngành công nghiệp Halal vốn bắt nguồn từ các quy phạm tôn giáo trong Hồi giáo, đang ngày càng trở thành một hệ sinh thái kinh tế toàn cầu với giá trị thị trường lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Tại nhiều quốc gia, Halal không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thực phẩm mà đã mở rộng ra nhiều ngành như tài chính, du lịch, mỹ phẩm và dược phẩm. Việt Nam tuy không phải là quốc gia có cộng đồng Hồi giáo đông đảo, nhưng lại nằm gần các trung tâm Halal lớn như Malaysia, Indonesia và Trung Đông, đồng thời có thế mạnh trong sản xuất nông sản, thực phẩm chế biến và thủy sản. Điều này đặt ra nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện tại các nghiên cứu về ngành Halal tại Việt Nam chủ yếu tiếp cận từ góc độ kinh tế và thương mại, trong khi bản chất tôn giáo của Halal - yếu tố nền tảng tạo nên toàn bộ hệ thống - vẫn chưa được khảo sát một cách hệ thống và chuyên sâu. Từ góc nhìn Tôn giáo học, Halal không chỉ là một hệ tiêu chuẩn sản xuất - tiêu dùng, mà còn là biểu hiện sống động của đời sống tín ngưỡng, phản ánh các giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội và thế giới quan của cộng đồng Hồi giáo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu tiêu dùng Halal ngày càng gia tăng, việc nghiên cứu ngành Halal tại Việt Nam dưới lăng kính Tôn giáo học không chỉ giúp làm rõ vai trò của tôn giáo trong định hình thị trường, mà còn mở ra các hướng tiếp cận mới trong hoạch định chính sách, xây dựng hệ thống chứng nhận và phát triển sản phẩm phù hợp với đặc thù văn hóa - xã hội Việt Nam.
Tổng quan tình hình nghiên cứu ngành Halal
Trong những thập kỷ gần đây, ngành công nghiệp Halal đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu trên toàn cầu. Các nghiên cứu quốc tế tập trung làm rõ vai trò của Halal không chỉ như một chuẩn mực tôn giáo mà còn như một chiến lược kinh doanh, một công cụ xây dựng thương hiệu và niềm tin nơi người tiêu dùng Hồi giáo. Wilson và Liu (2010, 2011) nhấn mạnh rằng sự minh bạch, tính xác thực và trách nhiệm xã hội là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công trong thị trường Halal.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã mở rộng phạm vi của Halal sang các lĩnh vực như tài chính, du lịch, mỹ phẩm và lối sống, khẳng định tính chất toàn diện và linh hoạt của hệ thống Halal trong thế giới hiện đại.
Tại Việt Nam, ngành Halal vẫn còn tương đối mới mẻ. Các nghiên cứu của Lê Kim Sa, Nguyễn Thị Hằng hay Đinh Công Hoàng đã bước đầu làm rõ tiềm năng xuất khẩu và khả năng hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào khía cạnh thương mại và chính sách, trong khi góc nhìn tôn giáo học vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thiếu vắng các phân tích chuyên sâu về cơ sở tôn giáo của Halal, ý nghĩa của nó trong đời sống Hồi giáo, cũng như mối tương tác giữa văn hóa - tín ngưỡng Việt Nam với hệ chuẩn Halal quốc tế đang là khoảng trống cần được lấp đầy.
Khoảng trống nghiên cứu và hướng tiếp cậncủa bài viết
Phần lớn các nghiên cứu hiện nay mới chỉ tiếp cận Halal như một tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc một chiến lược tiếp thị, trong khi ít đi sâu vào khía cạnh văn hóa – tôn giáo của Halal. Việc thiếu vắng nghiên cứu chuyên biệt về niềm tin, lễ nghi, chuẩn mực đạo đức Hồi giáo và ảnh hưởng của chúng tới hành vi tiêu dùng, sản xuất, và kinh doanh tạo ra một khoảng trống học thuật đáng kể. Tại Việt Nam, nghiên cứu về mối tương tác giữa hệ giá trị Hồi giáo và văn hóa địa phương, vai trò của cộng đồng Hồi giáo bản địa, cũng như sự thích ứng của doanh nghiệp với yêu cầu Halal vẫn còn hạn chế.
Bài viết này tiếp cận ngành Halal từ góc độ Tôn giáo học, nhằm bổ sung những phân tích sâu sắc về nền tảng tín ngưỡng – đạo đức của Halal, từ đó soi chiếu các vấn đề phát triển ngành Halal tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Cơ sở lý luận
1. Khái niệm Hồi giáo
Hồi giáo (Islam giáo) là một tôn giáo độc thần lớn, được xây dựng dựa trên sự mặc khải của Thượng đế (Allah) cho Nhà tiên tri Muhammad. Hệ thống giáo lý của Hồi giáo chi phối toàn diện đời sống tín đồ thông qua luật Shari’ah – bao gồm các quy định về đạo đức, pháp lý, xã hội và tín ngưỡng, trong đó khái niệm Halal – Haram giữ vị trí trung tâm.
2. Khái niệm Halal và Haram
Halal (حلال) nghĩa là “được phép” – tức những hành vi, thực phẩm, sản phẩm hoặc giao dịch được cho phép trong khuôn khổ luật Hồi giáo. Ngược lại, Haram (حرام) là “bị cấm”. Ranh giới giữa Halal và Haram là biểu hiện sống động của hệ giá trị Hồi giáo, được xác định bởi Kinh Qur’an, Hadith (truyền thống) và luật Shari’ah. Halal không chỉ là quy định về thực phẩm mà còn mở rộng ra mọi khía cạnh trong đời sống như tài chính (cấm lãi suất – riba), du lịch, mỹ phẩm, thời trang, giải trí và thậm chí cả y tế.
3. Ngành công nghiệp Halal
Ngành Halal là hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với chuẩn mực Halal. Từ xuất phát điểm là thực phẩm, ngành này đã phát triển thành một thị trường toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD, với các trụ cột gồm: thực phẩm – đồ uống, mỹ phẩm – dược phẩm, tài chính Hồi giáo, du lịch Halal và thời trang. Sự phát triển của ngành này không chỉ do niềm tin tôn giáo mà còn bởi các tiêu chuẩn Halal thường đi kèm với minh bạch, vệ sinh và đạo đức – yếu tố thu hút cả người tiêu dùng không theo đạo Hồi.
Để tiếp cận toàn diện vấn đề phát triển ngành Halal tại Việt Nam từ góc nhìn Tôn giáo học, nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, kết hợp giữa các tiếp cận định tính của Tôn giáo học, Xã hội học và Kinh tế học. Phương pháp này cho phép không chỉ phân tích bản chất tôn giáo của Halal mà còn khảo sát vai trò của các yếu tố xã hội, văn hóa và chính sách trong quá trình phát triển ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam.
KẾT QUẢ VÀ PHÂN TÍCH
1. Thực trạng phát triển ngành Halal tại Việt Nam
Ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam hình thành từ đầu những năm 1990, khi cộng đồng Hồi giáo bản địa, chủ yếu là người Chăm sinh sống tại các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu thể hiện nhu cầu tuân thủ nghiêm ngặt giáo luật Hồi giáo trong sinh hoạt tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ đến khi tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ trong thập niên 2000, đặc biệt với sự gia tăng hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo, ngành Halal mới thực sự được nhìn nhận như một cơ hội phát triển kinh tế. Trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp Việt đã bước đầu tiếp cận tiêu chuẩn Halal, đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm, chế biến thủy sản, nông sản, mỹ phẩm và dược phẩm, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và Trung Đông. Đến năm 2023, việc Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia về chứng nhận Halal được xem là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự tham gia chính thức của Nhà nước trong việc điều phối và xây dựng hệ thống Halal nội địa. Cùng với đó, các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín từ Malaysia và Indonesia, cũng được tăng cường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nhìn chung ngành Halal tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, còn thiếu hệ sinh thái đồng bộ và chiến lược phát triển dài hạn.
2. Cơ hội phát triển ngành Halal tại Việt Nam
Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển ngành Halal trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng nhu cầu tiêu dùng Halal trên thế giới. Trước hết, về mặt địa lý, Việt Nam nằm gần các trung tâm Halal lớn như Malaysia, Indonesia, dễ dàng kết nối thương mại trong khối ASEAN và với các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông. Thêm vào đó, năng lực sản xuất các mặt hàng chủ lực như nông sản, thực phẩm chế biến, thủy sản của Việt Nam hiện đang được đánh giá cao về chất lượng và sản lượng, phù hợp với yêu cầu cung ứng của thị trường Halal toàn cầu. Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, nhận thức xã hội và doanh nghiệp về Halal đang có xu hướng thay đổi tích cực.
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, mỹ phẩm và du lịch đã bắt đầu chú trọng đến việc thiết kế sản phẩm, dịch vụ theo chuẩn Halal để phục vụ xuất khẩu và khách hàng Hồi giáo trong nước. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã chủ động ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển ngành, điển hình như Nghị quyết số 08-NQ/TW về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới giáo dục, góp phần tạo cơ sở pháp lý và nguồn nhân lực cho lĩnh vực mới này. Ở cấp độ tín ngưỡng, sự tham gia tích cực của các tổ chức Hồi giáo trong nước trong việc góp ý tiêu chuẩn, hỗ trợ giám sát và tuyên truyền ý nghĩa tôn giáo của Halal cũng là một động lực thúc đẩy phát triển bền vững, hài hòa giữa yếu tố văn hóa, tôn giáo và kinh tế.
3. Thách thức đối với ngành Halal tại Việt Nam
Mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn, nhưng ngành Halal tại Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính hệ thống. Vấn đề đầu tiên là sự thiếu vắng một hệ thống chứng nhận Halal có uy tín và khả năng được công nhận rộng rãi ở cấp độ quốc tế. Phần lớn doanh nghiệp hiện nay vẫn phải phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài để xin cấp chứng nhận Halal, điều này khiến chi phí gia tăng, quy trình kéo dài và làm giảm tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý về Halal mặc dù đã có khởi đầu, song vẫn còn rời rạc, thiếu tính bắt buộc và thiếu cơ quan điều phối trung tâm để quản lý, kiểm tra và giám sát toàn bộ quy trình chứng nhận. Một thách thức khác là sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ am hiểu giáo luật Hồi giáo (Shari’ah) và có khả năng thực hiện kiểm định Halal trên cả phương diện kỹ thuật lẫn tôn giáo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính chính danh và sự tin cậy của các sản phẩm Halal xuất xứ từ Việt Nam, nhất là trong mắt người tiêu dùng Hồi giáo vốn rất nhạy cảm với yếu tố minh bạch và “thuần tịnh” trong tôn giáo.
Ngoài ra, từ góc nhìn tôn giáo học, một rào cản quan trọng khác là sự thiếu tương thích về văn hóa giữa chuẩn mực Hồi giáo và môi trường bản địa tại Việt Nam. Trong một xã hội đa tín ngưỡng và chưa quen với các quy chuẩn khắt khe về đạo đức – tâm linh như Halal, nhận thức sai lệch hoặc xem nhẹ bản chất tôn giáo của Halal rất dễ xảy ra. Cuối cùng, Việt Nam còn phải cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia trong khu vực đã có nền công nghiệp Halal phát triển như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và UAE, nơi có hệ sinh thái Halal được xây dựng bài bản, gắn chặt với chiến lược quốc gia và thương hiệu quốc tế.
Tóm lại, có thể thấy, ngành Halal tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn khởi phát với nhiều tín hiệu tích cực về mặt chính sách, nhận thức xã hội và cơ hội thị trường. Tuy nhiên, để thực sự phát triển thành một ngành kinh tế chủ lực, Việt Nam cần có chiến lược phát triển toàn diện, đồng bộ hóa hệ thống chứng nhận, tăng cường đào tạo nhân lực chuyên sâu và đặc biệt là xây dựng sự tương thích văn hóa – tôn giáo giữa chuẩn mực Halal với bối cảnh Việt Nam. Việc tiếp cận ngành Halal dưới góc nhìn liên ngành, trong đó Tôn giáo học đóng vai trò trung tâm, không chỉ giúp đảm bảo tính chính xác và bền vững của hệ thống Halal mà còn góp phần nâng cao uy tín, niềm tin và năng lực cạnh tranh của sản phẩm Halal Việt Nam trên trường quốc tế.
THẢO LUẬN
1. Tính tương thích giữa chuẩn mực Halal và bối cảnh văn hóa – xã hội Việt Nam
Một trong những điểm cần thảo luận sâu là mức độ tương thích giữa các nguyên tắc tôn giáo Hồi giáo, đặc biệt là hệ thống Halal – Haram, với không gian văn hóa – xã hội Việt Nam, nơi phần lớn dân số không theo đạo Hồi. Trong khi Halal là một khái niệm xuất phát từ giáo luật Shari’ah với tính thiêng liêng cao, thì phần lớn xã hội Việt Nam vẫn chưa có sự hiểu biết đầy đủ về nền tảng tôn giáo của khái niệm này. Điều này dẫn đến hai vấn đề: thứ nhất là sự đơn giản hóa Halal thành một tiêu chuẩn kỹ thuật đơn thuần, tách rời khỏi bản chất tín ngưỡng; thứ hai là nguy cơ xảy ra những “va chạm mềm” trong quá trình triển khai, ví dụ như việc tổ chức sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc quảng bá sản phẩm Halal mà không có sự tham vấn đúng đắn từ cộng đồng Hồi giáo hoặc các chuyên gia tôn giáo học. Từ góc nhìn Tôn giáo học, Halal không chỉ là “được phép” trong hành vi tiêu dùng, mà còn là một phần mở rộng của đạo đức sống, của sự “thuần tịnh” trong tương tác giữa con người với Thượng đế, cộng đồng và tự nhiên. Do đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm phát triển ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam đều phải đặt yếu tố tôn giáo – tâm linh vào trung tâm của quá trình hoạch định chính sách và xây dựng sản phẩm.
2. Vấn đề chứng nhận Halal: giữa quyền lực nhà nước và thẩm quyền tôn giáo
Trong nhiều quốc gia có cộng đồng Hồi giáo đông đảo, việc cấp chứng nhận Halal thường thuộc về các tổ chức tôn giáo độc lập hoặc có sự giám sát chặt chẽ từ hội đồng giáo sĩ. Tuy nhiên, tại Việt Nam – nơi Hồi giáo là tôn giáo thiểu số – mô hình quản lý Halal lại có xu hướng đặt dưới sự điều phối của các cơ quan hành chính nhà nước, với trọng tâm là tiêu chuẩn hóa kỹ thuật và thương mại hóa sản phẩm. Mô hình này tuy thuận lợi về mặt quản lý, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ tạo ra “khoảng trống linh thiêng” khi quy trình chứng nhận không có sự tham gia sâu sắc của giới chức tôn giáo. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu tin tưởng từ người tiêu dùng Hồi giáo trong và ngoài nước đối với các sản phẩm Halal có xuất xứ từ Việt Nam. Từ phân tích đó, có thể thấy cần xây dựng một cơ chế hợp tác linh hoạt, trong đó cơ quan nhà nước giữ vai trò điều phối – hỗ trợ pháp lý, còn các tổ chức Hồi giáo trong nước và quốc tế sẽ đảm nhiệm chức năng tư vấn, giám sát về mặt giáo lý và đạo đức. Đây là điều kiện cần thiết để đảm bảo tính chính danh và tính toàn vẹn của hệ thống Halal Việt Nam trong mắt cộng đồng Hồi giáo toàn cầu.
3. Tôn giáo học như một công cụ tiếp cận liên ngành cho phát triển ngành Halal
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển ngành công nghiệp Halal không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn là một bài toán văn hóa và xã hội phức tạp. Tiếp cận liên ngành, trong đó Tôn giáo học đóng vai trò then chốt, là giải pháp phù hợp để xử lý các yếu tố nhạy cảm liên quan đến niềm tin, lễ nghi, và thực hành đạo đức của người Hồi giáo. Tôn giáo học giúp giải mã ý nghĩa biểu tượng và giá trị đằng sau các quy định Halal, từ đó cung cấp cơ sở lý luận và công cụ phân tích để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng hiểu đúng, làm đúng, và tôn trọng hệ thống Halal. Bên cạnh đó, Tôn giáo học còn có khả năng đóng vai trò cầu nối trong đối thoại liên văn hóa – liên tín ngưỡng, giúp hình thành một môi trường xã hội thân thiện, khoan dung và đồng thuận trong quá trình xây dựng ngành Halal tại một quốc gia không theo đạo Hồi như Việt Nam.
4. Hàm ý chính sách từ góc nhìn Tôn giáo học
Từ những phân tích trên, có thể rút ra một số hàm ý chính sách quan trọng. Trước hết, cần thiết lập một cơ quan điều phối quốc gia về Halal với sự tham gia chính thức của đại diện cộng đồng Hồi giáo và chuyên gia Tôn giáo học, nhằm đảm bảo tính chính danh và tính linh thiêng của hệ thống chứng nhận.
Thứ hai, cần đầu tư vào đào tạo nhân lực liên ngành – kết hợp giữa kỹ thuật sản xuất, quản trị chất lượng và hiểu biết về tôn giáo – để tạo ra thế hệ chuyên gia Halal thực thụ.
Thứ ba, nên thúc đẩy các hoạt động truyền thông, giáo dục cộng đồng và doanh nghiệp về ý nghĩa văn hóa – tín ngưỡng của Halal, tránh tình trạng thương mại hóa cực đoan hoặc hiểu sai lệch.
Cuối cùng, cần xây dựng chiến lược ngoại giao văn hóa trong lĩnh vực Halal, nhằm kết nối với các tổ chức Hồi giáo quốc tế và khẳng định vị thế của Việt Nam như một đối tác tôn trọng, hiểu biết và đáng tin cậy trong chuỗi giá trị Halal toàn cầu.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu này đã tiếp cận ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam từ góc nhìn Tôn giáo học nhằm làm rõ bản chất thiêng liêng và tính hệ thống của khái niệm Halal trong đời sống Hồi giáo, đồng thời phân tích thực trạng, cơ hội và thách thức của ngành Halal tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia Hồi giáo, nhưng lại có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp Halal, từ tiềm năng sản xuất nông sản – thực phẩm, vị trí địa lý chiến lược, đến chính sách mở cửa và xu hướng tiêu dùng toàn cầu ngày càng đề cao giá trị đạo đức và minh bạch. Bên cạnh đó, sự chủ động từ phía chính phủ trong việc ban hành bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia, cũng như sự tham gia tích cực của cộng đồng Hồi giáo trong nước, đang mở ra những tín hiệu tích cực cho tiến trình xây dựng một hệ sinh thái Halal tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra hàng loạt thách thức đang cản trở sự phát triển đồng bộ và bền vững của ngành này. Đó là sự thiếu hụt về hệ thống chứng nhận Halal có uy tín quốc tế, sự mơ hồ trong nhận thức xã hội về bản chất tôn giáo của Halal, sự thiếu tương thích giữa chuẩn mực Hồi giáo và môi trường văn hóa bản địa, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia đã có hệ thống Halal hoàn chỉnh. Những thách thức này không thể giải quyết chỉ bằng các biện pháp hành chính hoặc kỹ thuật, mà đòi hỏi phải có một cách tiếp cận liên ngành, trong đó Tôn giáo học giữ vai trò trung tâm trong việc lý giải, xây dựng và truyền thông các giá trị nền tảng của Halal.
Từ các kết luận trên, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất và kiến nghị nghiên cứu nhằm tiếp tục làm rõ và hoàn thiện nền tảng lý luận cũng như phương thức triển khai ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam trong tương lai.
Thứ nhất, cần có những nghiên cứu sâu hơn về mô hình kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tôn giáo trong việc vận hành hệ thống chứng nhận Halal, nhằm đảm bảo tính hợp pháp, minh bạch nhưng vẫn giữ được tính chính danh tôn giáo – yếu tố cốt lõi trong văn hóa Hồi giáo.
Thứ hai, cần đẩy mạnh các nghiên cứu liên ngành giữa Tôn giáo học, Kinh tế học và Xã hội học để hình thành cơ sở học thuật cho việc đào tạo đội ngũ chuyên gia Halal, bao gồm cả năng lực chuyên môn kỹ thuật lẫn hiểu biết về giáo luật và tâm lý văn hóa Hồi giáo.
Thứ ba, nên khuyến khích các nghiên cứu về hành vi tiêu dùng và mức độ chấp nhận sản phẩm Halal trong cộng đồng người Hồi giáo tại Việt Nam, từ đó đánh giá tiềm năng tiêu dùng nội địa bên cạnh định hướng xuất khẩu.
Thứ tư, cần tiếp tục khảo sát và so sánh hệ thống Halal của các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này như Malaysia, Indonesia, UAE để học hỏi cách xây dựng thương hiệu quốc gia Halal và khả năng hội nhập quốc tế.
Cuối cùng, cần mở rộng các nghiên cứu về đối thoại liên văn hóa trong phát triển ngành Halal, xem đây như một cơ hội thúc đẩy sự tương tác tích cực giữa các tôn giáo, dân tộc và hệ giá trị trong lòng xã hội Việt Nam đương đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Belkhatir, M. (2020). Business process re-engineering in supply chains: Examining the case of the expanding Halal industry. Cornell University.
- Bộ Chính trị. (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Chính phủ. (2022). Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030.
- Đỗ Hương. (2024). Việt Nam sẵn sàng cho sản xuất sản phẩm Halal. Báo Điện tử Chính phủ. https://baochinhphu.vn
- ĐSQ VN tại Brunei Darussalam. (2023). Xu hướng phát triển ngành thực phẩm Halal quốc tế và những vấn đề đặt ra. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam.
- (2020). Chứng nhận Halal – Những điều cần biết về tiêu chuẩn, điều kiện để công nhận thực phẩm chuẩn Hồi giáo.
- Halal là gì. (n.d.). Tiêu chuẩn tạo dựng sự phát triển bền vững.
- Hà Văn. (2024). Thủ tướng: Phát triển ngành Halal vừa là “cơ hội vàng”, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Báo Điện tử Chính phủ.
- Huyền My. (2024). Nền kinh tế Halal dự kiến đạt 7.700 tỷ USD vào 2025. Trang điện tử tổng hợp.
- Kỷ yếu hội thảo. (2023). Văn hoá Islam và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam.
- Nguyễn Thị Quỳnh Hoa. (2024). Tiềm năng, triển vọng và một số giải pháp phát triển ngành Halal ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại.
- Nguyễn Tuấn Anh. (2024). Tăng cường năng lực chứng nhận để phát triển ngành Halal tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
- s Hồ Diệu Huyền. (2024). Phát triển du lịch Halal ở Việt Nam: Tiềm năng và thách thức. Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.