Thứ bảy, 01/02/2025 05:11 (GMT+7)

Nghệ An: Tổ liên ngành 827 đột phá trong hóa giải tranh chấp và lan tỏa pháp luật

Huyện Quỳ Hợp được biết đến bởi những sáng kiến tiên phong trong quản lý hành chính và pháp lý. Tổ liên ngành 827 - mô hình điếm sáng phối hợp đa ngành, được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả trong xử lý các tranh chấp và phổ biến pháp luật đến người dân

Sáng kiến từ thực tiễn, giải quyết tận gốc tranh chấp

Trước khi Tổ liên ngành 827 ra đời, Quỳ Hợp đối mặt với nhiều vụ tranh chấp kéo dài, dù đã có phán quyết của tòa án nhưng việc thi hành lại gặp khó khăn. Điển hình là vụ tranh chấp đất rừng giữa bà Lộc Thị Hấn và em trai tại xã Châu Thành. Dù bản án đã có hiệu lực, nhưng các bên vẫn không đạt được thỏa thuận để thực hiện.

tm-img-alt
Quyết định thành lập Tổ công tác 827 và quy chế phối hợp giữa các ngành.

Nhận thấy tình trạng này, Chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp triệu tập các cơ quan liên quan, từ Tòa án, Viện kiểm sát đến Thanh tra, Tư pháp, để làm việc cùng các bên tranh chấp ngay tại địa phương, để không chỉ giải quyết các tranh chấp mà còn góp phần phổ biến pháp luật, giúp người dân nhận thức rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

tm-img-alt
Đoàn công tác của huyện và Hội đồng hòa giải của xã tiến hành tổ chức kiểm tra thực tế tại thửa đất tranh chấp.

Kết quả bất ngờ đã xuất hiện: Qua đối thoại trực tiếp, các bên đạt được thỏa thuận, đồng ý rút đơn, buộc vía nhận lại làm chị em. Từ thành công đó, UBND huyện nhận thấy sự cần thiết của một mô hình phối hợp liên ngành để giải quyết các vụ việc tương tự. Và Tổ liên ngành 827 đã được thành lập, như một bước đột phá trong quản lý hành chính và pháp lý tại Quỳ Hợp.

Ngày 23/5/2022, UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Quyết định 827/QĐ-UBND, chính thức thành lập Tổ liên ngành xử lý các đơn thư, tranh chấp và vụ việc phát sinh trên địa bàn. Tổ do Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai làm Tổ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện làm Tổ phó thường trực. Các thành viên khác bao gồm lãnh đạo Viện kiểm sát, Chi cục Thi hành án dân sự và các phòng ban liên quan.

tm-img-alt
Tiến hành Hoà giải tranh chấp đất đai giữa hộ bà Vi Thị Hà với hộ ông Hà Văn Lương ở xã Châu Thành.

Tổ liên ngành được thành lập trên cơ sở Quy chế phối hợp số 25/QC-PH giữa UBND huyện, Tòa án nhân dân huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện. Quy chế này được xây dựng từ những bài học thực tiễn, nhằm huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp một cách đồng bộ và hiệu quả.

Tổ liên ngành 827 gồm các thành viên là lãnh đạo của các cơ quan chức năng như UBND huyện, Tòa án nhân dân huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện và các phòng ban chuyên môn. Tổ có nhiệm vụ giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến đơn thư, tranh chấp, đồng thời tổ chức các cuộc làm việc, khảo sát thực địa, thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các vụ việc một cách thấu đáo và hiệu quả.

Điểm đặc biệt của Tổ 827 là sự tham gia của các trưởng ngành, giúp tạo dựng niềm tin cho người dân. Qua các cuộc làm việc, các bên sẽ được giải thích rõ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình, đồng thời được phổ biến các quy định pháp luật liên quan. Điều này không chỉ giúp các đương sự nhận thức rõ hơn về tình hình vụ việc mà còn hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc giải quyết vấn đề một cách hợp lý và nhanh chóng.

Đổi mới cách làm, nâng tầm hiệu quả pháp lý

Tổ Liên Ngành 827 đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc giải quyết các vụ tranh chấp và đơn thư, đặc biệt là trong việc tạo ra sự đồng thuận giữa các bên. Việc huy động sự tham gia của nhiều cá nhân, cơ quan, phòng ban đã mang lại cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về vụ việc. Mỗi thành viên đều đóng góp ý kiến, đưa ra cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề, từ đó củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.

tm-img-alt
Tổ công tác 827 hoà giải tranh chấp đất tại xã Châu Lộc.

Trong năm, Tổ công tác 827 đã hỗ trợ giải quyết thành công nhiều đơn khiếu nại, phối hợp, hướng dẫn pháp lý cho 21 xã, thị trấn, tổ chức 90 cuộc hòa giải, đối thoại. Nhờ đó, các xã đã thực hiện đầy đủ quy trình, cơ bản giải quyết xong các vụ việc, không còn đơn thư vượt cấp. Cụ thể, 25 cuộc hòa giải tranh chấp đất đai đã được tổ chức tại cơ sở, trong đó 23 vụ hòa giải thành công, đạt tỷ lệ 92%. Hai vụ không hòa giải được đã được hướng dẫn khởi kiện lên Tòa án theo quy định.

Dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, Tổ liên ngành 827 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: Tăng cường hiệu quả phối hợp: Sự tham gia của các trưởng ngành trong các buổi làm việc trực tiếp đã tạo ra những góc nhìn toàn diện hơn, giúp giải quyết vụ việc một cách sát đúng và khách quan.

Xây dựng niềm tin cho người dân: Các cuộc đối thoại tại chỗ, có sự tham gia của lãnh đạo ngành, đã tạo dựng được sự đồng thuận, giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình.

Phổ biến pháp luật trực tiếp: Mỗi cuộc làm việc của Tổ không chỉ giải quyết vụ việc mà còn là cơ hội để tuyên truyền pháp luật. Các cán bộ xã, xóm, người dân tham dự đều hiểu thêm về quy định pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ.

tm-img-alt
Trước khi đưa ra các phương án hoàn giải, Tổ công tác 827 đều tiến hành kiểm tra thực địa tranh chấp.

Một trường hợp cụ thể cho thấy hiệu quả của Tổ liên ngành là việc giải quyết các tranh chấp đất đai kéo dài tại một số xã. Trước đây, các bên thường mất nhiều thời gian và chi phí để đưa vụ việc lên cấp trên, nhưng nay, nhờ sự vào cuộc trực tiếp của Tổ liên ngành, mọi vấn đề đều được giải quyết nhanh gọn, đúng pháp luật ngay tại địa phương.

Dù mang lại hiệu quả cao, Tổ liên ngành 827 vẫn đối mặt với một số thách thức. Một số cán bộ cơ sở chưa hiểu rõ vai trò của Tổ, dẫn đến tâm lý ỷ lại, mong muốn Tổ “làm thay” nhiệm vụ của mình. Do đó, việc tiếp tục tuyên truyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Tổ là vô cùng cần thiết.

Tổ liên ngành không làm thay công việc của các cơ quan chuyên môn, mà đóng vai trò cầu nối, tư vấn, đưa ra các ý kiến pháp lý sát thực. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa việc giải quyết tranh chấp và giáo dục pháp luật, vừa giúp xử lý tình huống cụ thể, vừa tạo tiền đề để các địa phương tự nâng cao năng lực.

Không chỉ dừng lại ở việc xử lý đơn thư, tranh chấp, Tổ liên ngành 827 còn trở thành mô hình tiêu biểu được nhiều địa phương học tập. Thành công của Tổ đến từ sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ và cách tổ chức linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt, dù không có kinh phí hoạt động cố định, Tổ vẫn duy trì được hiệu quả nhờ sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên.

Tổ liên ngành 827 không chỉ là một giải pháp pháp lý mà còn là biểu tượng của sự gắn kết giữa chính quyền, cơ quan chức năng và người dân. Đây chính là minh chứng cho thấy, khi cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng, mọi vấn đề dù phức tạp đến đâu cũng có thể giải quyết một cách thấu đáo và hiệu quả.

Với những gì đã đạt được, Tổ liên ngành 827 chắc chắn sẽ tiếp tục là “cánh tay nối dài” của chính quyền huyện Quỳ Hợp trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đón tết cổ truyền theo cách riêng
Ngày đầu năm mới, tại sân bay, nhà ga và trên những chuyến xe du lịch, không khí rộn ràng, vui tươi của nhiều người trong ngày khởi hành du xuân.