Mô hình tổ chức của tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sau khi sáp nhập ra sao?
Sau khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã phối hợp, thống nhất trình Chính phủ “Đề án sắp xếp hai tỉnh thành tỉnh Quảng Trị mới”.
Đối với đề án thành lập tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, qua lấy ý kiến cử tri, có trên 98% cử tri đồng ý đối với đề án. ĐVHC tỉnh Quảng Trị sau hợp nhất có diện tích hơn 12.699km2, đạt 254% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số hơn 1,8 triệu người, đạt hơn 131% so với tiêu chuẩn; ĐVHC cấp xã có 78 đơn vị, gồm: 69 xã, 8 phường và 1 đặc khu. Trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh Quảng Trị sau hợp nhất đặt tại tỉnh Quảng Bình.

Tại cuộc làm việc này, lãnh đạo hai tỉnh đã thảo luận và thống nhất kết luận 6 nhóm nội dung quan trọng làm cơ sở cho việc sắp xếp, hợp nhất ĐVHC tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị. Trong đó có những nội dung, như: Đồng ý các nội dung cơ bản của dự thảo “Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị”; rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc, trang thiết bị, bố trí nhà ở công vụ... cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ Quảng Trị ra công tác; tiếp tục tăng cường công tác chính trị tư tưởng và tuyên truyền tạo đồng thuận trong nhân dân, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hai tỉnh về sắp xếp, hợp nhất ĐVHC tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị. (Theo thông báo kết luận tại cuộc họp nói trên, không có nội dung lãnh đạo hai tỉnh thống nhất sẽ trình Trung ương xem xét thiết lập trung tâm hành chính mới như dư luận đồn thổi).
Thực hiện kết luận hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, ngày 28/4, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Đề án số 815 sắp xếp tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị; đồng thời đề xuất phương án tên gọi và trung tâm chính trị-hành chính của ĐVHC cấp tỉnh sau sắp xếp. Là hai tỉnh nằm trong khu vực Bắc Trung bộ, có chung lịch sử hình thành phát triển (tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên cũ), với nhiều nét tương đồng, giao thoa về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán. Trong khi Quảng Bình có thế mạnh ngành công nghiệp không khói, vốn được mệnh danh là “viên kim cương xanh”, với “trái tim” du lịch Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đang hướng tới mục tiêu phát triển thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế; nông nghiệp chất lượng cao cùng các cụm công nghiệp trọng điểm,… thì Quảng Trị có tiềm năng phát triển về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là kinh tế cửa khẩu và hành lang kinh tế Đông-Tây. Sau khi hai tỉnh sáp nhập, có thể tận dụng những thế mạnh này để mở rộng không gian phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, logistics, thương mại…
Theo đó, Đề án nêu rõ: Việc đặt tên gọi tỉnh Quảng Trị và chọn TP. Đồng Hới làm trung tâm chính trị-hành chính sau khi sắp xếp đã được Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa…

Đồng thời, cân nhắc giữa 1 tỉnh giữ tên gọi, 1 tỉnh đặt trung tâm chính trị-hành chính nhằm thống nhất nhận thức, đồng thuận của tầng lớp nhân dân địa phương khi sắp xếp 2 tỉnh.
Vị trí trung tâm và hạ tầng đồng bộ
- Đồng Hới hiện là đô thị loại II, dân số 155.113 người, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, cách thành phố Vinh khoảng 200 km về phía Bắc và thành phố Huế khoảng 170 km về phía Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để trở thành điểm trung chuyển và liên kết mạnh mẽ cho toàn bộ khu vực.
Sau khi nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, Đồng Hới có vị trí trung tâm của tỉnh mới (cách huyện Tuyên Hóa 120 km phía Tây Bắc và huyện Hải Lăng khoảng 125 km về phía Nam); là trung tâm của các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế như: Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng cách 50 km; khu du lịch suối Bang cách 50 km; khu kinh tế Hòn La 60 km; khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo 160 km; khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo 160 km; TP. Đông Hà khoảng 95km.

- Đồng Hới hiện sở hữu hệ thống giao thông đồng bộbao gồm sân bay Đồng Hới; ga tàu chính của tuyến đường sắt Bắc – Nam; hai tuyến quốc lộ chính Bắc-Nam (Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh); đường cao tốc Bắc-Nam đã cơ bản hoàn thành cùng ga đường sắt tốc độ cao dự kiến trong tương lai, đảm bảo kết nối nội địa và quốc tế hiệu quả.
Đặc biệt, Đồng Hới được công nhận là đô thị loại II từ năm 2014 (sớm hơn gần 10 năm đối với các tỉnh lỵ của địa phương lân cận). Với trung tâm chính trị-hành chính tỉnh, đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch…, hạ tầng đô thị với đầy đủ các khu chức năng hiện có, Đồng Hới đáp ứng việc sắp xếp và đưa trung tâm chính trị-hành chính vào hoạt động ngay sau sáp nhập. Ngoài ra, Đồng Hới còn là đô thị năng động ven biển, có khí hậu ôn hòa, địa hình tương đối bằng phẳng, có dòng sông Nhật Lệ thơ mộng chảy qua giữa lòng thành phố, có hệ thống sông, suối, hồ, rừng ở phía Tây đã tạo nên một Đồng Hới đầy tiềm năng để hình thành đô thị du lịch, là diểm đến của du khách trong và ngoài nước.
Trên cơ sở về lịch sử, cùng với các lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên xã hội, hạ tầng kỹ thuật hiện có, cũng như định hướng phát triển trong tương lai thì rõ ràng TP. Đồng Hới là sự lựa chọn tối ưu, đáp ứng các điều kiện để lưu giữ và phát triển một trung tâm chính trị-hành chính, văn hóa xã hội, dịch vụ du lịch, đầu mối giao thông, logistics của tỉnh mới sau sáp nhập. Và, rất thuận lợi để trở thành một trong những đô thị quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của khu vực duyên hải miền Trung.